Theo thống kê, tỉnh Hà Nam có hơn 101.600 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó hơn 24.500 trẻ đã mắc COVID-19. Việc tiêm chủng được triển khai theo chiến dịch và thứ tự lứa tuổi giảm dần, theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế và tình hình dịch tại địa phương. Các địa phương khác trong cả nước đã và đang chuẩn bị sẵn sàng để tiêm cho trẻ nhỏ.
Ngày 16/4, các quận, huyện của Đà Nẵng đã hoàn thành việc rà soát, lập danh sách tiêm chủng cho trẻ em; hiện thành phố có hơn 70.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng, khoảng 70% phụ huynh đồng tình tiêm cho trẻ.
Theo kế hoạch tiêm chủng của UBND TP Đà Nẵng, dự kiến đợt 1, bắt đầu từ cuối tháng 4, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được tiêm. Riêng số trẻ đã mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng qua sẽ được tiêm sau.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi trên địa bàn.
Theo đó, khoảng 116.000 trường hợp, trong đó 99,5% trẻ đang theo học tại các nhà trường trong tỉnh từ đủ 5 tuổi đến đủ 11 tuổi 11 tháng 29 ngày tính từ ngày sinh đến ngày tiêm sẽ được tiêm chủng trong quý II. Trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường; trẻ không đi học sẽ được tiêm tại các điểm bố trí ở trạm y tế, trường học hoặc tổ dân phố, thôn, bản.
Tại Hải Dương, chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu ngày 19/4. Sở Y tế Hải Dương đã chọn học sinh lớp 6 Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương) làm điểm để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Các đối tượng cần trì hoãn tiêm
TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, đối với việc khám sàng lọc, có 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đó là nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh; tại thời điểm khám sàng lọc phát hiện trẻ có bất thường về tim, phổi; trẻ có phản ứng phản vệ với bất kì dị nguyên nào trước đó.
Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm chủng là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kì dị nguyên nào; trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lí đám đông, tăng động, giảm chú ý. Bác sĩ Ngãi cũng đặc biệt lưu ý chống chỉ định tiêm đối với nhóm trẻ có tiền sử phản vệ với vắc xin COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin.
Vì vậy, các cơ sở tiêm chủng phải nghiên cứu kĩ các thành phần của vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, để nếu phát hiện trẻ có tiền sử phản vệ với bất cứ thành phần nào của vắc xin như muối, lipid, đường… thì phải xếp vào nhóm chống chỉ định tiêm.
“Ngoài ra, nhóm trẻ đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác, cũng lưu ý phải trì hoãn tiêm chủng cho trẻ. Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; đang trong đợt điều trị bệnh mạn tính như hóa trị liệu ung thư thì cần trì hoãn cho đến khi trẻ kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính”, bác sĩ Ngãi lưu ý.
Với trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C), cần trì hoãn tiêm chủng cho đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lí này.
Việt Nam hiện có 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vắc xin COVID-19. Trong số này, khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19 sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin trong quý II. Khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 sẽ được tiêm vắc xin sau khi khỏi bệnh 3 tháng. |
Tác giả: Hà Minh
Nguồn tin: Báo Tiền phong