Hoạt động của Mặt trận nhiều nơi còn hình thức
“Trong 30 năm đổi mới, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, bên cạnh những thành tích, ưu điểm còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập: cơ cấu tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, bất hợp lý, kém hiệu quả, trên một số lĩnh vực chức năng, nhiệm vụ chưa được tách bạch rõ ràng. Điều này đòi hỏi MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và các phương thức hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới…” - ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh nhấn mạnh tại Hội thảo đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ông Trần Thanh Mẫn (ảnh giữa) cùng các đại biểu dự hội thảo |
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới trong hoạt động của mình và luôn xác định rõ ràng rằng: Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là phương châm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ông Mẫn cũng cho rằng, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều tiến bộ, nhưng ở nhiều nơi còn mang tính hành chính, hình thức. Tình trạng ấy là do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là chưa nhận thức đúng và hành động đúng với đặc điểm chung của Mặt trận và các đoàn thể là tính tự nguyện xã hội; chưa nhận thức đúng về mối quan hệ giữa Mặt trận và đoàn thể nhân dân với cơ quan Nhà nước....
Theo ông Mai Văn Chính cho biết, xác định được tầm quan trọng của vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và các phương thức hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới, Ban Tổ chức Trung ương đã triển khai nghiên cứu đề tài nghiên cứu "Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội". Nghiên cứu đã được thực hiện trong 12 tháng với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý và các nội dung được đưa ra phân tích, đánh giá trên nhiều phương diện khoa học.
Đề tài đã đề xuất 4 nhóm giải pháp đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đổi mới mô hình tổ chức MTTQ là yêu cầu của sự phát triển
Theo ông PGS.TS Trần Hậu, đề tài của Ban Tổ chức Trung ương đã đạt được những kết quả khả quan, trước hết đã luận giải được những vấn đề lý luận về vị trí, vai trò và mối quan hệ của MTTQ Việt Nam với các tổ chức Chính trị-Xã hội, quan hệ với hệ thống chính trị, luận giải được quan niệm về mô hình với đổi mới mô hình tổ chức phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đồng thời trình bày được tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, kinh nghiệm lịch sử và kinh nghiệm quốc tế.
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam |
TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm HĐTV Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cũng nhận định, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là yêu cầu có tính thời đại, là yêu cầu của phát triển bền vững. Tinh thần đổi mới phải làm cho Mặt trận mạnh lên.
“Việc đổi mới tổ chức phải trên cơ sở nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận, tinh giản bộ máy theo hướng chất lượng cán bộ cao hơn. Cán bộ Mặt trận phải là những người có năng lực chuyên môn giỏi, có đạo đức tốt và đặc biệt phải có uy tín trước cư dân nơi mình đang sinh sống, nơi mình đang công tác” - TS Nguyễn Viết Chức nói.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cần thí điểm mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung trong khối Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương như Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ sau đó tổng kết và báo cáo với Trung ương. “Nên giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay nhưng có thể tính đến phương án hợp nhất Ban Dân vận và MTTQ Việt Nam”.
Cũng đồng tình với phương án này, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam đề nghị “cần xem xét để có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức. Theo chức năng nhiệm vụ có thể thành lập một văn phòng chung để phục vụ cho MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”./.
Tác giả: Phạm Hà
Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV