Hơn 200 con bò bị tiêu hủy gây thiệt hại kinh tế lớn cho ông Hòa |
10 năm ròng “vác” đơn kêu oan
Theo ông Dương Văn Hòa (SN 1957, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Thuận Thành), ngày 11/4/2007, ông ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm tỉnh Quảng Trị để cấp 142 con bò lai sin, 148 con bò cái lông vàng cho 2 huyện Đắkrông và Hướng Hóa theo dự án giảm nghèo của tỉnh Quảng Trị. Để có bò cung ứng, ngoài việc gom mua bò tại Quảng Trị, ông Hòa ra Xí nghiệp Truyền giống gia súc và phát triển chăn nuôi Thanh Ninh (Thanh Hóa) để nhập bò về.
Số bò tổng cộng 104 con, sau hai đợt giao đều được Chi cục Thú y Quảng Trị và Hội đồng Kiểm tra nghiệm thu con giống kết luận đạt chất lượng, sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn làm giống hậu bị và đồng ý cho phân bổ về các địa phương. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, tại một số nơi có bò giống do dự án cung cấp xảy ra tình trạng bò chết do bệnh lở mồm long móng.
"Từ khi bị truy tố oan đến nay, công ty của tôi phải ngừng hoạt động, giấy phép kinh doanh cũng bị thu hồi, việc kinh doanh bị đổ vỡ, hàng chục lao động mất việc làm… nên thiệt hại là vô cùng lớn. Tôi mong cơ quan chức năng sớm bồi thường thỏa đáng để tôi yên tâm sản xuất, ổn định đời sống." Ông Dương Văn Hòa |
Đến tháng 7/2007, Cơ quan CSĐT Công an Quảng Trị khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Dương Văn Hòa về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật”. Đồng thời, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Ngày 25/6/2008, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Dương Văn Hòa 18 tháng tù giam về tội danh “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật”. Không đồng tình với bản án, ông Hòa làm đơn kháng cáo kêu oan với lý do cáo trạng của VKSND tỉnh và bản án sơ thẩm quy kết ông Hòa thực hiện các hành vi phạm tội như mua bò không rõ nguồn gốc, không tiêm phòng vaccine, không nuôi cách ly trước khi nhập đàn là không đúng vì thực tế ông Hòa mua bò có nguồn gốc, số bò được vận chuyển từ Thanh Hóa vào Quảng Trị, trên đường đi đã được kiểm tra đóng dấu tại các trạm kiểm dịch; khi về bàn giao cho các địa phương đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu đạt chất lượng.
Ngày 16/9/2008, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã hủy Bản án sơ thẩm số 07/2008/HSST, ra quyết định trả hồ sơ để điều tra lại vì chưa đủ cơ sở buộc tội ông Hòa. Sau khi điều tra lại, VKSND tỉnh Quảng Trị tiếp tục truy tố ông Hòa với tội danh trên. Tháng 9/2009, TAND tỉnh Quảng Trị ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Sau quá trình điều tra, ngày 2/12/2009, VKSND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Hòa, miễn trách nhiệm hình sự theo Khoản 1, Điều 25, BLHS (do chuyển biến tình hình hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội). Sau đó, ông Hòa nhiều lần khiếu nại quyết định đình chỉ vụ án nêu trên.
Đến ngày 31/8/2017, VKSND tỉnh Quảng Trị ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Dương Văn Hòa do không đủ cơ sở xác định ông Hòa đã có hành vi phạm tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật” quy định tại Điều 187 BLHS. Như vậy, sau 10 năm ròng rã khắp nơi, ông Hòa mới được minh oan vô tội.
Yêu cầu bồi thường hơn 17 tỷ đồng
Theo ông Hòa, trước lúc bị khởi tố, việc kinh doanh của ông rất tốt, đạt doanh thu cao và được chính quyền từ T.Ư đến địa phương trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương… Thời điểm đó, ông Hòa cũng đã ký kết rất nhiều hợp đồng kinh tế về con giống, cây giống và tổ chức sản xuất các vườn ươm ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…
Tuy nhiên, trong khi chưa xác định được nguồn gốc bệnh lở mồm long móng bùng phát trên diện rộng ở các huyện, thị xã thuộc tỉnh Quảng Trị vào tháng 6/2007 là do đâu thì Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, VKSND tỉnh đã vội quy kết và cáo buộc ông phạm tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật.
Kể từ đó, cuộc sống của cá nhân ông và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tinh thần sa sút, mất bạn hàng, uy tín bị giảm… Các vườn ươm cây giống ở tỉnh Bình Dương, huyện Mường Noòng (Lào); Hướng Hóa, Gio Linh (Quảng Trị) đều bị hư hỏng và quá lứa nên không xuất bán được. Ngoài ra, 80 con bò chăn nuôi của gia đình, 127 bò giống dự án đã nghiệm thu cũng bị tiêu hủy. Sau khi tính toán thiệt hại về tổn thất tinh thần, những thiệt hại do tài sản bị xâm hại, bị mất (gồm vườn cao su giống, hồ tiêu giống bị hư hỏng, tiền đền bù hợp đồng), ông Hòa yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Trị bồi thường hơn 17 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trường, Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự - người đại diện theo ủy quyền của VKSND tỉnh Quảng Trị cho biết, VKSND tỉnh đã thụ lý đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Dương Văn Hòa và tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ cũng như tổ chức thương lượng với ông Hòa. Sau khi thương lượng đã ban hành quyết định bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 264 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hòa không đồng tình nên đã khởi kiện ra tòa án để giải quyết.
“VKSND tỉnh tiến hành theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, mặc dù ông Hòa yêu cầu bồi thường nhiều khoản thiệt hại khác nhưng không có cơ sở nên VKS không chấp nhận. Phán quyết cuối cùng phải đợi Tòa án quyết định”, ông Trường nói.
Tác giả: Đông Hiền
Nguồn tin: Báo Giao thông