Đó là trường hợp của doanh nhân Surjeet Bassi (50 tuổi), người Mỹ gốc Ấn Độ, sống tại Middletown, New York, Mỹ. Ông hiện là Giám đốc của công ty dịch vụ vận chuyển y tế Orange County Medi-Coach. Theo tin từ trang Record Online, Bassi muốn "lên đời" và đã quyết định đổi chiếc Mercedes-Benz ML350 để "tậu" về chiếc Mercedes-Benz đời cao hơn. Chính vì thế, ông đã tới đại lý Prestige Motors ở New Jersey - một trong những showroom lớn nhất của thương hiệu ngôi sao 3 cánh tại Mỹ, để đặt mua xe.
Sau khi thỏa thuận xong về giá bán với một tư vấn bán hàng, kiểm tra tài khoản và đặt cọc 1000 USD và thậm chí ông còn chứng minh tài chính với Prestige Motors, mọi khâu gần như hoàn tất. Bất ngờ thay, Giám đốc đại lý mời Bassi vào văn phòng và nói rằng showroom không thể bán xe cho ông được.
Bassi kể lại với truyền thông đại phương rằng, vị Giám đốc đó tuyên bố không bán xe cho ông bởi ông tới từ "khu vực rủi ro cao" - nơi mà mọi người thường mua xe và chuyển cho lực lượng phiến quân Hồi giáo Taliban. Nhưng éo le ở chỗ, Bassi sống tại New York gần 30 năm nay và đây không phải khu vực mà Giám đốc Prestige Motors cho rằng "rủi ro cao".
Ảnh minh họa
Tên của Bassi cũng không hề xuất hiện trong bất kỳ tài liệu nào của liên bang, ở danh mục cấm xuất khẩu. Tuy vậy, đại lý ở New Jersey vẫn từ chối bán xe cho người doanh nhân 50 tuổi.
Bassi cho biết ông còn nhẫn nại hơn khi đề nghị ký vào một bản cam kết sẽ không bán chiếc xe sẽ mua cho bất kỳ đơn vị nào. Song, quyết định của vị Giám đốc kia không hề lay chuyển!
Kết cục, Bassi làm đúng theo những gì mà người Mỹ thường xuyên làm trong những sự việc như thế này: kiện đại lý. Ông kiện Prestige Motors ở New Jersey vì tội phân biệt chủng tộc và từ chối hoạt động mở rộng tín dụng hợp pháp. Bassi đòi được bồi thường 1,26 triệu USD.
Tác giả bài viết: Đăng Việt