Kinh tế

Doanh nghiệp kiến nghị bán lại xăng RON 92, Bộ Công Thương nói gì?

Bộ Công thương vừa đề nghị Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh gây dư luận không tốt về mục tiêu cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với nhiên liệu sinh học nói chung, xăng E5 nói riêng.

Bộ Công Thương đề nghị Saigon Petro thực hiện đúng các chỉ đạo, tránh gây dư luận không tốt về mục tiêu cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với nhiên liệu sinh học.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM về chính sách phát triển xăng sinh học.

Trước đó, Bộ này đã nhận được văn bản của Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) kiến nghị một số nội dung có liên quan đến thuế bảo vệ môi trường và chính sách phát triển xăng sinh học trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, nhằm phát triển nhiên liệu sinh học để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 177/2007 phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 và Quyết định số 53/2012 về lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu truyền thống.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Saigon Petro và Tổng công ty dầu khí Việt Nam – PV Oil là những doanh nghiệp đi tiên phong triển khai kinh doanh nhiên liệu sinh học (Xăn E5 RON92) bắt đầu từ những năm 2010 -2011.

Theo số liệu báo cáo của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, mặc dù mới triển khai kinh doanh xăng E5 thay thế xăng RON92 từ đầu năm 2018 nhưng lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa trên địa bàn cả nước trong vòng 2 tháng đã đạt hơn 593 nghìn m3, chiếm khoảng 41,5% tổng lượng xăng các loại, tăng khoảng 32,51% - 33,51% so với năm 2017.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp đầu mối có cơ cấu tiêu thụ xăng E5 khá cao so với tổng lượng xăng tiêu thụ như công ty cổ phần Thiên Minh Đức đạt được 70,93%, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đạt 62,37%, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam 51,37%, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 47,06%...

Bộ Công Thương khẳng định, thời gian mới triển khai đại trà trên toàn quốc hai tháng đầu năm 2018, mức tăng trưởng trên là “tín hiệu khả quan về sức tiêu thụ xăng E5”.

Liên quan đến chính sách đối với xăng E5 RON92, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 RON92 nhiều hơn nữa.

Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, liên bộ Công Thương và Tài chính đã và đang điều chỉnh, sử dụng quỹ theo đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ với mục đích góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Thành ủy TP.HCM, đồng thời là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh gây dư luận không tốt về mục tiêu cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với nhiên liệu sinh học nói chung, xăng E5 RON92 nói riêng.

Trước đó, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) đã gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc nên cho sử dụng lại xăng A92 để không bị lãng phí xã hội trong trường hợp áp dụng các biện pháp khuyến khích nhưng sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp.

Theo tính toán của Saigon Petro, mỗi tháng xã hội phải chi thêm 400 tỷ đồng do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng A95 một cách không cần thiết trong khi xe chỉ cần sử dụng xăng E5.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP