Chồng hóa đơn thể hiện số nợ của một số cơ quan thuộc huyện Krông Nô |
Nợ do lãnh đạo "thời trước" để lại?
Theo danh sách mà bà Đông cung cấp cho PV, có tổng cộng gần 15 cơ quan hành chính thuộc huyện Krông Nô nợ tiền tiếp khách những năm 2015-2016 tại quán của bà.
Trong đó, UBND xã Đắk Drô nợ 17,6 triệu đồng; UBND xã Tân Thành nợ 34 triệu đồng; UBND xã Nam Xuân nợ 40 triệu đồng; UBND thị trấn Đắk Mâm nợ 73 triệu đồng.
Ngoài ra, hàng loạt cơ quan khác như Trung tâm phát triển quỹ đất nợ 14 triệu đồng; Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội nợ gần 15 triệu đồng; Phòng Kinh tế-Hạ tầng nợ 23 triệu đồng; Huyện đoàn nợ 28 triệu đồng; Trường Trung học cơ sở thị trấn Đắk Mâm nợ 48 triệu đồng…
Như đã nói ở bài "Chủ quán khốn khó vì hàng loạt cơ quan nợ tiền ăn nhậu", hầu hết số tiền các cơ quan nợ tại quán Phương Đông đều tồn tại từ lâu, do "những lãnh đạo trước để lại”.
Khi thực hiện luân chuyển cán bộ, những người mới lên tiếp quản nhiệm vụ phải có trách nhiệm xử lý số nợ này. Thế nhưng, khi tiến hành rà soát lại, nhiều đơn vị vẫn không biết được tiền nợ tại quán là nợ cá nhân hay nợ tiếp khách cơ quan.
Điển hình như trường hợp của Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Nô. Được biết, đơn vị này đã nợ quán Phương Đông khoảng 7 năm nay với số tiền 23 triệu đồng.
Giải thích vấn đề này, ông Trần Thái Châu - Quyền trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Nô cho biết, sau khi lên tiếp nhận nhiệm vụ, ông đã nhận được phản ánh từ phía nhà hàng Phương Đông và yêu cầu bộ phận kế toán rà soát, đối chiếu lại. Sau đó, kế toán của phòng xác nhận có nợ của bà Đông 23 triệu.
“Số nợ này đã tồn tại từ những năm 2012 đến nay. Hiện tôi mới tiếp nhận nhiệm vụ nên chưa xử lý được. Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan là sẽ trả dần dần cho hết số nợ này”, ông Châu cho biết.
Còn theo ông Cao Văn Tính, chủ tịch UBND xã Tân Thành, hiện xã cũng đang nợ tiền “tiếp khách” tại quán của bà Đông. Tuy nhiên, đó là tiền nợ do lãnh đạo thời trước để lại. Hiện tại cơ quan cũng đang rà soát lại nợ nần bao nhiêu để có phương án xử lý thích hợp.
Tương tự, ông Lương Văn Tích, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết, việc xã nợ tiền tại quán của bà Đông là thật nhưng đó là tiền nợ từ lãnh đạo thời trước. Hiện tại, xã đang rà soát lại, đối chiếu xem số nợ có đúng 40 triệu đồng như bà Đông trình bày hay không để xin ý kiến của cấp trên, tìm phương án xử lý phù hợp.
Cũng trong trường hợp tương tự, bà Lê Thị Minh - Phó bí thư huyện đoàn Krông Nô cho biết, hiện bà cũng không biết chính xác cơ quan còn nợ của quán Phương Đông bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, số nợ đó xuất phát từ đời lãnh đạo của Huyện đoàn trước đây được cho là tiền “tiếp khách” và đến nay chưa xử lý hết.
Nhập nhằng giữa nợ cơ quan và cá nhân
Đại diện phòng LĐ-TB-XH làm việc với PV báo chí trước thông tin phòng Lao động-Thương binh và Xã hội nợ gần 15 triệu đồng ở quán Phương Đông |
Nói về khoản nợ tại cơ quan mình, ông Nguyễn Văn Kiền, Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mâm cho biết, vào cuối năm 2017 ông mới về nhận nhiệm vụ tại thị trấn. Khi biết cơ quan mình còn nợ quán Phương Đông hơn 70 triệu đồng, ông đã yêu cầu bộ phận kế toán phải rà soát lại xem số nợ đó là tiền tiếp khách vì mục đích chung của cơ quan hay vì mục đích cá nhân để xử lý.
Ông Kiền cho biết: “Trong trường hợp tiền nợ vì tiếp khách của cơ quan, chúng tôi sẽ xem xét và xin ý kiến của cấp trên để xử lý. Ngược lại, nếu số tiền nợ mập mờ, không rõ ràng, tôi sẽ cho mời lãnh đạo của nhiệm kỳ trước lên làm việc, đối chiếu. Nếu không phải vì mục đích cơ quan mà vì mục đích cá nhân thì ai nợ người đó phải có trách nhiệm trả”, ông Kiền trao đổi.
Còn theo ông Trần Xuân Bảng - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Đắk Mâm, việc nhà trường có nợ tiền tiếp khách tại quán là có thật nhưng ông chưa biết con số cụ thể. Trong đó, trường có nợ một phần vì mục đích chung, bản thân ông khi tiếp khách của cá nhân cũng nợ một phần.
Ông Bảng trao đổi: “Các đợt thi học sinh giỏi, thi thể dục thể thao trường đều đưa học sinh về quán ăn cơm. Do học sinh đông và ăn nhiều ngày nên chúng tôi phải nợ lại tiền của quán. Về phần mình, mỗi lần có bạn bè hay người quen ở quê vào, tôi cũng có ra quán ăn uống và nợ tiền. Tôi sẽ có trách nhiệm với khoản nợ riêng của bản thân mình”.
Nói về hướng xử lý khoản nợ, ông Bảng cho biết sẽ làm việc với bộ phận kế toán, thủ quỹ của trường để xác định lại xem số nợ thực sự là bao nhiêu, sau đó trường sẽ thu xếp trả sớm cho quán.
Tương tự, ông Phạm Văn Hải, quyền giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Krông Nô thì cho rằng, việc cơ quan nợ tiền của quán Phương Đông là thật. Tuy nhiên, cơ quan muốn trả từng đợt nhỏ còn bà Đông thì muốn trả một lần nên chưa thống nhất được.
“Theo bà Đông thì hiện cơ quan tôi còn nợ tiền ăn uống tại quán 14 triệu. Tuy nhiên, chúng tôi chưa rà soát lại cụ thể xem số nợ thực sự là bao nhiêu. Nói thật, con số đó cũng không vấn đề gì nhưng chúng tôi muốn trả theo từng đợt nhỏ cho phù hợp”, ông Hải trao đổi.
"Huyện không chi ngân sách cho đơn vị tiếp khách"
Trao đổi với PV về việc các đơn vị nợ tiền tiếp khách tại quán Phương Đông, ông Trần Đăng Ánh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) cho biết, hiện ông đã nắm được thông tin về việc này và sẽ mời các đơn vị liên quan đến làm rõ thông tin.
Cũng theo ông Ánh, đây là việc tế nhị của các đơn vị, của huyện nên trong các cuộc họp giao ban, huyện có chỉ đạo phải quán triệt trong việc tiếp khách.
“Hoàn toàn không có chuyện huyện chi ngân sách cho các đơn vị tiếp khách. Do đó, huyện sẽ làm việc với các đơn vị xem trách nhiệm của ai để xử lý, nợ của đơn vị nào, của cá nhân nào thì phải trả, tránh dư luận xấu”, ông Ánh nói.
Tác giả: Trần Nhân-Hải Dương
Nguồn tin: Báo Infonet