Ngày 13/1, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (sinh năm 1965, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đại diện Viện KSND TPHCM yêu cầu làm rõ việc vắng mặt của ông Trần Bắc Hà |
Trong phần thẩm vấn, đại diện Viện KSND TPHCM yêu cầu HĐXX có biện pháp áp giải ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV), Trần Lục Lang (Phó Tổng giám đốc BIDV) tới tham dự phiên tòa do nhiều lần triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vẫn vắng mặt.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng ông Trần Bắc Hà có đơn xin vắng mặt vì đang điều trị bệnh ung thư gan, còn ông Trần Lục Lang cũng đang điều trị bệnh. Hồ sơ bệnh án đã được chuyển đến Viện KSND, nếu cần hỏi thêm thì sẽ triệu tập.
Sau khi xem xét hồ sơ, đại diện Viện KSND TPHCM cho rằng ông Trần Bắc Hà bị bệnh ung thư gan từ năm 2012 và đã điều trị nhiều năm nay. Trong đơn gửi đến HĐXX thì ghi đi tái khám vào ngày 8/1, trùng ngày mở phiên tòa xét xử. Để làm rõ việc Trần Bắc Hà có đi nước ngoài chữa bệnh hay không, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX làm điều tra làm rõ tại cục xuất nhập cảnh.
Còn ông Trần Lục Lang chỉ có sổ khám bệnh và đơn thuốc của bệnh viện Nhân dân Gia Định chứ không có bệnh án. Xét thấy hai người này không gặp trở ngại về sức khỏe, đủ điều kiện tham dự phiên tòa. Vì vậy, đại diện Viện KSND TPHCM đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập những người này tới phiên tòa nhằm làm rõ nhiều vấn đề.
Liên quan tới vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết tại Mục III, quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên toà nêu rõ “trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án” (Điều 296).
Ngoài ra, LS Chánh viện dẫn theo khoản 3 Điều 65 bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 thì "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan" có nghĩa vụ: có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có mặt tại tòa theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng thì có bị dẫn giải hay không?
Trả lời vấn đề này, LS Chánh phân tích: theo quy định tại Điều 127 BLTTHS 2015 về áp giải, dẫn giải thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không thuộc các đối tượng này.
“Trường hợp áp giải, dẫn giải chỉ áp dụng đối với người làm chứng; người bị hại; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”, luật sư Chánh cho hay.
Ở một góc nhìn khác, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TPHCM) cho rằng việc ông Trần Bắc Hà không có mặt tại tòa là bất lợi cho ông Hà. Bởi, khi thẩm vấn công khai tại tòa, qua việc xét xử tại tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì HĐXX có quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án, khi đó tư cách tố tụng của ông Trần Bắc Hà đã khác.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí