Kinh tế

Đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành: Thay đổi tư duy bồi thường

"Muốn đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành thì phải giải quyết vấn đề vốn và bồi thường. Việc bồi thường có thể tính đến đổi đất khác loại giá trị cao hơn. Thay đổi tư duy bồi thường bằng tiền", ông Đặng Hùng Võ nói.

Sáng nay (28/3), tại TPHCM đã diễn ra hội thảo "Đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành". Theo các chuyên gia kinh tế, giao thông... hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM đang quá tải, tình trạng kẹt xe cả trên trời lẫn dưới đất diễn ra trầm trọng. Nguyên nhân do số lượng hành khách đã vượt quá so với công suất khai thác. Nhiều giải pháp để giảm tải được đưa ra như làm cầu vượt dẫn vào sân bay, mở thêm đường băng, mở rộng sân bay... đã được đưa ra nhưng tính khả thi không cao.

Trong lúc này có thể tìm các giải pháp để làm sân bay Long Thành, Đồng Nai sớm lên, đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành khi mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ còn chờ tiền và sự quyết tâm.

Sáng 28/3, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo "Đẩy nhanh tiến độ sân bay Long Thành".

Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành trở thành một sân bay quốc tế sẽ đáp ứng cho TPHCM phát triển theo hướng là hạt nhân của cả khu vực. Đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới khi sân bay phải dời ra ngoại thành, không thể để trong nội đô, nếu giữ lại chỉ có thể sử dụng làm sân bay phục vụ nội địa.

Ở góc độ kinh tế, nhiều chuyên gia cũng nhận định, thay vì dồn tiền làm sân bay Tân Sơn Nhất nhưng cũng chưa chắc giải quyết được tình trạng quá tải sân bay vì lượng hành khách liên tục tăng mạnh thì nên tập trung nguồn lực làm sân bay Long Thành càng sớm càng tốt.

Vấn đề quan trọng là làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, muốn đẩy nhanh tiến độ phải có 2 vấn đề then chốt: vốn và thu hồi đất.

Dự án sân bay Long Thành đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng. Điều kiện khu vực này khá thuận lợi khi gần 85% là đất nông nghiệp, 15% đất phi nông nghiệp. Dành tiền xây khu tái định cư khoảng 10% (24.000 tỷ đồng), chứ không lâm vào tình thế gồng mình bồi thường.

“Dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai làm khá tốt trong hoàn cảnh việc giải tỏa mặt bằng khá khó khăn, kinh phí bồi thường tái định cư khá thấp chứ không cao như ở các thành phố lớn. Tôi cho rằng nhà nước xây dựng theo khung tái định cư ở huyện Long Thành hiện nay là khá tốt, không có gì phức tạp", ông Võ nói.

Ông Đặng Hùng Võ nhận định, đất đai góp phần giải quyết vấn đề vốn. Cách lấy tiền từ đất cũng giúp thu tiền hiệu quả. Câu chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng ở dự án sân bay Long Thành không quá phức tạp. Tuy nhiên, việc chiều lòng số lượng người dân 4.700 hộ và 26 tổ chức cũng có những thách thức.

"Việc bồi thường có thể tính đến đổi đất khác loại giá trị cao hơn. Thay đổi tư duy bồi thường bằng tiền. Cơ chế bồi thường bằng tiền nên sinh ra con đường đắt nhất hành tinh như đã xảy ra", ông Võ nói.

Ông Đặng Hùng Võ nhận định, đất đai góp phần giải quyết vấn đề vốn. Cách lấy tiền từ đất cũng giúp thu tiền hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay

Theo ông Đặng Hùng Võ, mô hình này Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng rất thành công. Hai quốc gia này cho rằng người có đất thì nên góp vào dự án. Sau đó nhận lại đất phi nông nghiệp với tỷ lệ hợp lý về giá đất. "Tiền từ đấy ra chứ từ đâu", ông Võ nhận định.

Từ lập luận trên, chuyên gia này cho rằng cần phải điều chỉnh cơ chế đất đai. Cơ chế này hiệu quả khi xem xét mặt bằng rộng ra, quy hoạch toàn bộ khu Long Thành và thực hiện tiến trình đô thị hóa. Cơ chế điều chỉnh đất đi liền với quy hoạch phát triển đô thị. Cần quy hoạch cụ thể, chỗ nào là sân bay, chỗ nào khu dịch vụ…

"Chúng ta cần tham khảo mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc mỗi khi xây dựng dự án. Chính quyền không chi tiền ngân sách vào dự án đó, mà họ lấy kinh phí sinh lời từ mảnh đất đó để thực hiện xây dựng. Ngoài ra, cơ chế và luật đất đai hiện hành ở nước ta cần chỉnh sửa lại để phù hợp với tình hình thực tế", ông Đặng Hùng Võ nói.

Tác giả: Công Quang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP