Tin địa phương

Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm

Thời gian qua, Quảng Bình đã rốt ráo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Báo NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiểm tra tại khu neo đậu cảng cá

Thưa ông, hoạt động nghề cá ở Quảng Bình được đánh giá như thế nào?

Tỉnh Quảng Bình hiện có đội tàu đánh bắt xa bờ trên 1.300 chiếc. Nhờ được đầu tư ngư lưới cụ cùng với kinh nghiệm đi biển của ngư dân nên sản lượng khai thác ngày càng cao; kinh tế, đời sống của ngư dân dần ổn định và phát triển.

Phải nói rằng, trong những năm qua, ngư dân Quảng Bình chấp hành tốt những quy định cua pháp luật về khai thác nguồn lợi hải sản trên biển. Điều này được chứng minh qua việc những năm gần đây, tàu cá của ngư dân Quảng Bình chưa có trường hợp nào vi phạm đánh bắt ở lãnh hải nước ngoài. Hầu hết, ngư dân Quảng Bình bám biển, bám ngư trường trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa... Việc phát triển mô hình Tổ Đoàn kết, Tổ Hợp tác trên biển ở Quảng Bình rất mạnh và thành công. Qua đó cũng hạn chế được việc tàu cá vi phạm.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về khai thác thủy sản, đặc biệt khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) vẫn còn diễn ra. Trong đó chủ yếu là tàu giã cào đôi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ. Tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản vẫn còn. Không ghi nhật ký khai thác thủy sản, không đánh dấu tàu cá, không đảm bảo điều kiện an toàn cho người và tàu cá còn diễn ra. Những tác động này đã làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, nguy cơ gây mất an toàn, an ninh, trật tự trong khai thác thủy sản trên biển.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, trong năm 2017, đã tuần tra, kiểm soát và lập biên bản xử lý gần 60 vụ vi phạm, trong đó phần lớn là tàu giã cào đôi của các tỉnh khác vào vùng biển gần bờ Quảng Bình. Có hàng chục trường hợp dùng chất nổ, xung điện...

Tàu Thanh tra Chi cục Thủy sản Quảng Bình tuần tra, kiểm soát trên biển

Trước thực tiễn đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động đối với ngư dân và ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và góp phần tháo gỡ cảnh báo của EC. Tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển sẽ được giao cụ thể cho lực lượng nào thưa ông?

Theo kế hoạch, tại vùng biển ven bờ được giao cho UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển thực hiện. Tại vùng lộng giao cho Sở NN-PTNT (trực tiếp là Chi cục Thủy sản).

Tại cảng cá Sông Gianh, Nhật Lệ, giao Sở NN-PTNT thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá thực hiện nhiệm vụ. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở NN-PTNT phối hợp với BCH Bộ đội Biên phòng, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan ban hành và thực hiện Quy chế phối hợp các lực lượng để kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh. Chẳng hạn như thực hiện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Sông Gianh, Nhật Lệ phải có sự phối hợp của lực lượng chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng (BĐBP), công an, hoặc tại vùng biển ven bờ phải có BĐBP, công an và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Việc kiểm tra, thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với các sản phẩm khai thác khác như cá đáy, cua, ghẹ, cá nổi nhỏ theo khuyến nghị của EC.

Ngoài thanh tra, kiểm tra theo định kỳ, kiểm soát theo kế hoạch trên, Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm về khai thác IUU.

Những nội dung, tiêu chí kiểm tra được đặt ra như thế nào thưa ông?

Nội dung tiêu chí kiểm tra đã được đặt ra rất cụ thể. Trong đăng ký tàu cá gồm giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, viết số đăng ký tàu cá, đánh dấu nhận biết tàu cá; trong khai thác thủy sản, chú trọng kiểm tra giấy phép khai thác thủy sản; hạn Giấy phép khai thác thủy sản; vùng biển khai thác; ghi và nộp Nhật ký khai thác thủy sản. Kiểm tra khai thác trong vùng cấm khai thác, thời gian cấm khai thác, loài cấm khai thác, khai thác thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác các loài trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm; sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản; sử dụng các loại nghề, ngư lưới cụ bị cấm hoặc không đúng quy định…

Xử lý tàu cá vi phạm

Thời gian qua, lực lượng BĐBP đảm nhận tốt vai trò kiểm soát phương tiện, tàu cá khi xuất, nhập bến. Việc khai báo vị trí tàu cũng được kiểm soát gắt gao. Qua những lần dự báo bão lũ, lực lượng BĐBP đã kêu gọi đúng, đủ, chính xác các phương tiện, tàu cá của ngư dân Quảng Bình, ngư dân các tỉnh bạn về khi neo đậu an toàn.

Chính vì vậy, tỉnh chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện của BĐBP tuyến biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa lạch. Kiên quyết không cho tàu cá xuất cửa lạch đi khai thác thủy sản khi không đầy đủ giấy tờ, không đảm bảo các điều kiện an toàn cho người và tàu cá và các quy định khác có liên quan. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

Quảng Bình sẽ áp dụng những chế tài nào cho các trường hợp vi phạm và có những kiến nghị gì thưa ông?

Ngoài những chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật, Quảng Bình sẽ cắt các khoản hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, của địa phương như hỗ trợ xăng dầu, hỗ trợ các trang thiết bị đi biển… đối với các tàu cá vi phạm. Đối với những tàu cá vi phạm sẽ không cho xuất bến.

Về kiến nghị, trên thực tế xảy ra việc tàu giã cào ngang nhiên hoạt động trên vùng biển gần của Quảng Bình. Tỉnh chỉ đạo đấu tranh và xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, mức phạt xử lý đang thực hiện như hiện nay là quá nhẹ, không đủ mức răn đe đối với tàu cá vi phạm. Chúng tôi đã có văn kiện kiến nghị lên Bộ NN-PTNT để kiến nghị Chính phủ theo hướng tăng nặng hình phạt chính, hình phạt bổ sung đối với những tàu giã cào đôi vi phạm pháp luật. Ngoài hình thức phạt tiền, nên đề nghị được tạm giữ tàu, tịch thu ngư lưới cụ (lưới giã cào đôi). Có như vậy mới hạn chế và đi đến chấm dứt hành vi sử dụng tàu giã cào khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản gần bờ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: TÂM PHÙNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP