Hiệp định mới sẽ có tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
"Với tư cách đồng chủ trì, chúng tôi vui mừng đã hoàn thành nhiệm vụ", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi sáng 11/11 ở Đà Nẵng.
Đột phá lớn của thương mại tự do khu vực
Đây có thể coi là một đột phá lớn của hiệp định TPP cũng như thương mại tự do khu vực. TPP từ lâu vẫn được coi là hiệp định kiểu mới, chất lượng cao mà việc thực hiện hiệp định có thể định hướng nhiều quá trình tự do hoá kinh tế sau này.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Motegi trong buổi họp báo sáng 11/11. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Đàm phán giữa các bộ trưởng đã diễn ra từ ngày 8-10/11 để sớm đưa hiệp định TPP vào hiệu lực. Tên gọi mới và thoả thuận được đưa ra sau 4 vòng đàm phán giữa các bên.
Các bộ trưởng thống nhất giữ nguyên những nội dung TPP cũ nhưng cho phép các nước tạm hoãn một số nội dung để “bảo đảm lợi ích chung, tính đến trình độ của từng nước”.
Về việc thay đổi tên hiệp định, Bộ trưởng Motegi giải thích: “Tên gọi mới khi Mỹ rút đi thì tên cũng sẽ phải khác đi. Chúng tôi đã thảo luận nhiều về tên. Câu chuyện không chỉ thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ, và nhiều vấn đề, nguyên tắc khác”.
Treo 20 điểm hiệp định cũ
Về chi tiết, Bộ trưởng Motegi cho biết các bộ trưởng đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó có thêm một phụ lục với 7 điều về những điểm kỹ thuật của hiệp định mới cùng một phụ lục liệt kê các điểm được treo và cần được thống nhất thêm.
Hiệp định mới sẽ treo 20 điều của thoả thuận TPP ban đầu trong đó có 10 điều là liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn 4 điểm được để riêng để các bên đàm phán thống nhất trong thời gian tới.
“Dù rất khó khăn, chúng tôi đều xác định là sẽ phải đạt được thoả thuận ở Đà Nẵng”, ông Motegi nói. “Chúng tôi vẫn cố phải cân bằng duy trì chất lượng cao trong khi phải thực tế để các nước thành viên có thể thực hiện”.
Bộ trưởng Motegi nói cuộc đàm phán rất khó khăn nhưng các bộ trưởng đều thống nhất là sẽ đạt thoả thuận ở Đà Nẵng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Diễn biến mới là bước đột phá lớn của TPP, vốn rơi vào khủng hoảng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ rút khỏi hiệp định chỉ vài ngày sau khi ông nhậm chức đầu năm nay.
Số phận của TPP 11 cũng rơi vào bất định khi mới hôm qua Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã không tới cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP.
Việc Thủ tướng Justin Trudeau không tới cuộc họp của các nhà lãnh đạo TPP được ông Champagne giải thích là vì cuộc họp song phương với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã kéo dài 25 phút hơn so với dự kiến.
Điểm nóng Canada
Văn phòng của ông Trudeau giải thích là Thủ tướng Abe, người đồng chủ trì, đã huỷ cuộc họp sau khi gặp ông Trudeau 50 phút.
"Đơn giản là cuộc gặp (với Abe) đã kéo dài hơn dự kiến", ông Champagne nói. "APEC có 21 nhà lãnh đạo nên mọi thứ đều không rõ ràng".
Ông Motegi cám ơn đồng chủ trì là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giúp lèo lái cuộc đàm phán qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Báo chí Nhật thì giải thích Canada rất giận dữ việc Bộ trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi thông báo thoả thuận mới trước khi các nhà lãnh đạo gặp.
Bộ trưởng Motegi khi được hỏi vụ việc sáng nay thì nói: "Canada thay đổi đột ngột thì nên hỏi thẳng họ."
"Tại cuộc họp, bộ trưởng Canada đã giơ tay để thể hiện sự thống nhất rồi sau đó lại đổi thông điệp. Trong cuộc họp hôm qua, chúng tôi tái khẳng định thống nhất để TPP có hiệu lực sớm. Tôi đã đề nghị Canada có thông tin khẳng định".
Theo quy định TPP ban đầu, tỷ lệ GDP của các nước triển khai phải đạt được 85% tổng GDP của 12 nước (ký năm 2013) thì hiệp định mới có hiệu lực. Với việc Mỹ chiếm 60% GDP, TPP ít nhất sẽ cần thay đổi điều khoản hiệu lực để có thể bắt đầu.
Việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thoả thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai - trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai.
TPP-11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức đã tuyên bố rút lui.
Đông đảo phóng viên có mặt trong buổi họp báo về TPP-11. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Tác giả: T.Tuấn - Cảnh Toàn - Phương Thảo
Nguồn tin: Báo Zing