Giáo dục

Đánh giá giáo viên phổ thông qua 15 tiêu chí: Cần thực tế, tránh hình thức

Bộ GDĐT đã công bố Dự thảo Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí cụ thể. Theo đó, căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, giáo viên sẽ được xếp loại đánh giá với các mức độ “đạt”, “khá”, “tốt” hoặc “không đạt”.

Một buổi thi tuyển giáo viên tại TP Hồ Chí Minh.

Những điểm mới

Cụ thể, với mức đạt, toàn bộ các tiêu chí phải được đánh giá từ mức đạt trở lên.

Mức khá, có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức đạt trở lên, trong đó đảm bảo tối thiểu 12/15 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 3 được xếp ở mức khá trở lên.

Mức tốt, có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức khá, trong đó đảm bảo tối thiểu 12/15 tiêu chí đạt từ mức tốt, trong có các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 3 được xếp ở mức tốt. Mức không đạt, có từ 1 tiêu chí trở lên không đáp ứng yêu cầu của mức đạt.

Dự thảo Thông tư cho biết, định kỳ hằng năm giáo viên (GV) tự rà soát, đánh giá vào mỗi cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn. Định kỳ 3 năm/lần nhà trường tổ chức đánh giá GV theo chuẩn.

Theo Bộ GDĐT, Dự thảo sẽ được xin ý kiến góp ý đến hết ngày 25/5 tới.

Cụ thể, 5 tiêu chuẩn với GV phổ thông bao gồm: Phẩm chất nghề nghiệp (có 2 tiêu chí); Năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin (3 tiêu chí); Năng lực nghiệp vụ sư phạm (4 tiêu chí); Năng lực xây dựng, thực hiện môi trường giáo dục dân chủ (3 tiêu chí); Năng lực xây dựng các quan hệ xã hội (3 tiêu chí).

Đáng chú ý, với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin được coi là đòi hỏi cần thiết với GV trong tình hình mới, nhằm tránh tình trạng dạy chay hoặc không cập nhật được kiến thức đáp ứng đòi hỏi của một xã hội bùng nổ thông tin.

Như vậy, người thầy không còn là “tháp ngà kiến thức” mà phải tự học, tự bồi bổ kiến thức nếu không muốn tụt hậu.

Về tiêu chuẩn năng lực xây dựng, thực hiện môi trường giáo dục dân chủ, cũng được coi là điểm mới, đáng khuyến khích.

Theo đó, người dạy phải thực hiện quy chế dân chủ: thực hiện đúng vai trò được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra của giáo viên trong hoạt động của nhà trường. Cùng đó phải phát huy được (hay là “dám” phát huy) quyền dân chủ của học sinh và đồng nghiệp: tạo dựng được môi trường học tập dân chủ, thân thiện, bình đẳng, hợp tác, khuyến khích sự sáng tạo.

Tiêu chuẩn này còn buộc GV phải tôn trọng, phát huy quyền dân chủ của cha mẹ học sinh và tổ chức, cá nhân có liên quan, từ đó tạo dựng được môi trường dân chủ, thân thiện, bình đẳng, hợp tác thân thiện với cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Không sai nhưng xa thực tế

Tuy nhiên, tới thời điểm này (trong quá trình góp ý cho Dự thảo Thông tư), cũng đã có một số ý kiến cho rằng chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông có những tiêu chí không thực tế, mang tính hình thức dễ dẫn đến sự thỏa hiệp, cho qua.

Với tiêu chí quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, cùng với ý kiến đồng tình vì cho rằng đó là điều cần thiết trong bối cảnh hội nhập, thuận theo sự phát triển của xã hội; nhưng cũng có ý kiến cho rằng rất khó khi “chấm điểm” GV phổ thông bằng cách đưa ra ba-rem về ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với GV công tác ở vùng dân tộc thiểu số) trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.

Ý kiến này cho rằng, quy định không sai nhưng thiếu thực tế.

Có người còn cho rằng, không nên chỉ vì quy định này mà buộc tất cả GV phải đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ rồi... không sử dụng, tốn kém cho GV cũng như chi phí của xã hội. Rất có thể từ đó sẽ tạo ra làn sóng “chạy” bằng ngoại ngữ để đáp ứng tiêu chí mang nặng tính hình thức.

Một GV Trường THCS Văn Lang (Q.1, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sử dụng được ngoại ngữ phục vụ cho công việc của mình là một thách thức lớn đối với mọi người, không chỉ đối với GV.

Ngay cả với GV dạy ngoại ngữ thì trình độ thực sự cũng chưa thể nói là tốt. Đối với quy định sử dụng được ngoại ngữ với người được đề nghị phong học hàm (giáo sư, phó giáo sư) cũng đã khó, nhiều người không đạt, huống hồ với GV phổ thông, trong khi đa số người trong số họ không phải là GV ngoại ngữ.

Vì thế, có người cho rằng, tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ đối với GV phổ thông mà Bộ GDĐT đặt ra, có lẽ là để “hướng tới tầm nhìn” 20, 30 năm, thậm chí 50 năm sau.

Một vấn đề nữa cũng gây băn khoăn trong đội ngũ GV phổ thông, đó là việc dự thảo quy định định kỳ hằng năm GV tự rà soát, đánh giá vào cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Về tiêu chí này, lãnh đạo một trường THPT Q.Thủ Đức (TP HCM) đặt vấn đề: Sau mỗi đợt đánh giá, những GV không đạt chuẩn thì tính thế nào, có cho tiếp tục đứng lớp hay không?

Không thể không cho dạy vì người đó không sử dụng được ngoại ngữ, hay không đạt vài tiêu chí nào đó trong khi kỹ năng truyền thụ kiến thức môn học cụ thể nào đó là tốt, phẩm chất tốt.

Chính vì vậy, việc tự đánh giá của mỗi GV khó có thể thực chất, và việc xử lý những người thiếu tiêu chí trong các tiêu chuẩn cũng lại là việc làm khó cho lãnh đạo nhà trường.

Việc đưa ra các tiêu chí để áp vào đó mà phấn đấu, đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, những tiêu chí, tiêu chuẩn phải thực tế, phải đúng, phải trúng với bản chất nghề nghiệp của nhà giáo, mà cụ thể ở đây là GV phổ thông.

Tác giả: Quang Nam

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP