Kinh tế

Đại gia Thanh Hóa mang Bạch Dinh triệu USD đi thế chấp vay bạc tỷ

Nằm trong khuôn viên rộng 50.000m2, Bạch Dinh của ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Á (Thanh Hóa) đang được cầm cố để vay tiền.

Tọa lạc trên khu đất 50.000 m2, Bạch Dinh của đại gia Thanh Hóa Cao Tiến Đoan được xem là một trong những công trình biểu tượng của vùng đất xứ Thanh còn đầy khốn khó. Đến nay, ông nổi tiếng với khu dinh thự tọa lạc trên thửa đất rộng hàng chục ngàn m2 với thiết kế sang trọng, tinh tế bằng gam màu trắng. Khu biệt thự này được chủ nhân của nó thiết kế hiện đại, lấy màu trắng làm chủ đạo trong tông màu xanh mát nơi vùng đồng quê.

Bạch Dinh của ông Cao Tiến Đoan được bao quanh bởi bờ tường xây kiên cố. Ảnh: Thủy Tiên

Bạch Dinh của ông Đoan nằm trên địa phận xã Quảng Châu (huyện Quảng Xương, nay thuộc địa phận Tp. Sầm Sơn). Theo cán bộ UBND xã Quảng Châu, ông Đoan là người thuê, mua lại khoảng 50.000m2 đất ngay tại Quảng Châu để xây dinh thự và nhiều công trình khác trên lô đất đó.

Trong khu đất 50.000m2 này, ông Đoan dành một phần diện tích để xây dựng một sân bay cá nhân. Cũng ngay trong khuôn viên khu đất, đại gia xứ Thanh cho xây dựng khu nhà ở nghỉ dưỡng sinh thái với đường dạo quanh khuôn viên, đường xe điện, bể bơi, sân thể thao tenis, đặc biệt là khu nhà gỗ trồng rường truyền thống, phủ thờ công chúa Mỵ Châu...

Theo xác nhận của cán bộ xã Quảng Châu, khu đất của ông Cao Tiến Đoan là đất nông nghiệp và đã chuyển đổi sang đất kinh doanh. Mới đây xã có lập đoàn kiểm tra và ông Đoan đã đưa ra các giấy tờ hợp lệ. Tuy nhiên, khi đề nghị được xem các giấy tờ pháp lý lô đất 50.000m2 này thì cán bộ xã lại cho rằng, xã không quản lý bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến lô đất trên (!?).

Tuy nhiên, theo bản đồ hành chính của xã Quảng Châu, lô đất 50.000m2 của ông Cao Tiến Đoan nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp và đất trang trại.

Bản đồ địa chính xã Quảng Châu thể hiện lô đất nơi ông Cao Tiến Đoan xây Bạch Dinh và các công trình khác (phần trong vùng khoanh đỏ) thuộc quy hoạch đất trồng lúa nước và đất trang trại. Ảnh: Thủy Tiên

Theo lãnh đạo Cục thuế tỉnh Thanh Hóa, nếu đất nông nghiệp chuyển đổi sang đất kinh doanh thì phải nộp thuế phát sinh. Thế nhưng, xác minh từ Cục thuế tỉnh Thanh Hóa, Chi cục thuế huyện Quảng Xương, Chi cục thuế Sầm Sơn, các đơn vị này đều khẳng định, cho đến ngày 12/5/2017, lô đất 50.000m2 của ông Cao Tiến Đoan chưa hề nộp thuế phát sinh chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Như vậy, một số công trình trên diện tích đất mà ông Cao Tiến Đoan vẫn thuộc đất nông nghiệp, đất trang trại.

Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB105409, ông Đoan chỉ được huyện Quảng Xương cấp 2.615m2 đất tại thôn Châu An, xã Quảng Châu. Trong đó, có 400m2 đất ở và 2.215m2 đất vườn trong diện tích 50.000m2.

Điều tra của phóng viên cho thấy, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của ông Đoan đang được “cắm” tại công ty cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam (Công ty Chứng khoán KVS) để vay 25 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 20/12/2011, ông Cao Tiến Đoan và Công ty Chứng khoán KVS đã ký hợp đồng số 01/HDTUVDT/KVS-ĐA/2011 để tạm ứng vốn đầu tư. Mục đích hợp tác đầu tư là hoàn thiện và đưa vào kinh doanh dự án “Khu Resort – Khu cầu Bình Hòa – Quảng Châu – Quảng Xương – Thanh Hóa” (thực chất là Bạch Dinh của ông Đoan). Để ứng được 25 tỷ đồng của Công ty Chứng khoán KVS, ông Đoan đã phải thế chấp “Khu Resort – Khu cầu Bình Hòa – Quảng Châu – Quảng Xương – Thanh Hóa”, tài sản trên đất chưa có sổ đỏ ở mặt sau tòa nhà, và Nhà số 31 Hàng Than – TP. Thanh Hóa.

Không những vay Công ty Chứng khoán KVS, ông Đoan còn nhiều lần vay tiền của cá nhân ông Cao Văn Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán KVS.

Năm 2015, Công ty Chứng khoán KVS đã dùng xe Toyota mang biển kiểm soát: 89C - 06820 căng tấm băng rôn đòi nợ với dòng chữ: “Yêu cầu ông Cao Tiến Đoan phải trả cho Công ty KVS 31 tỷ đồng và trả cho ông Cao Văn Sơn 21 tỷ đồng” gây rúng động tỉnh Thanh Hóa.

Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng” mà nguyên đơn là Công ty Chứng khoán KVS và bị đơn là Công ty Đông Á của ông Đoan. Theo thông tin mới nhất, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có Kháng nghị Giám đốc thẩm “Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT ngày 10/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa” và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm, đồng thời giao Tòa án nhân dân TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa xét xử lại.

Đất nông nghiệp, đất trang trại chưa được chuyển đổi, chưa được cấp sổ đỏ, song ông Đoan đã mang đi cầm cố. Hơn thế nữa, vị đại gia này còn ngang nhiên xây sân bay và nhiều công trình kiên cố khác trên lô đất 50.000m2 nói trên.

Vậy ai đã cấp phép cho ông Cao Tiến Đoan xây dựng các công trình trên đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng? Xã Quảng Châu mới kiểm tra các công trình của ông Đoan và khẳng định đúng phép, vậy tính xác thực, chính xác của cuộc kiểm tra này hay đang có sự bao che của chính quyền địa phương? Việc ông Cao Tiến Đoan mang đất chưa được cấp phép sử dụng đi cầm cố có đúng quy định của pháp luật?

Tác giả: Nghi Điền – Thủy Tiên

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP