Kinh tế

Đại gia Thái đã làm gì sau khi ‘nuốt trọn’ siêu thị Việt?

Trước nghi vấn đại gia Thái “chê” hàng Việt, đại diện Big C khẳng định: Kế hoạch bán hàng Việt sau khi về tay ông chủ người Thái không có gì thay đổi.

Đại gia Thái ‘đá văng’ hàng Việt khỏi siêu thị

Các đại gia nào đang thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam?


Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ từ ngày 1/1/2009 và thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được đánh giá là giàu tiềm năng, thuộc nhóm 5 thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Việc này đồng nghĩa là sự cạnh tranh sẽ tăng lên rất nhiều và thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có sự thay đổi về chất.

Trong thời gian ngắn, hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam đã có hơn 700 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích, trong đó có 22 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam. Các kênh bán lẻ hiện đại đã chiếm khoảng 26% thị trường bán lẻ và dự kiến năm 2020 sẽ tăng lên 40%.
Hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang ổ ạt vào Việt Nam. Mới đây nhất, tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc - Lotte - đặt mục tiêu 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020 và Aeon - một "ông lớn" khác trong ngành bán lẻ Nhật Bản mở trung tâm thương mại (TTTM) thứ 2 vào tháng 10/2014 cũng đã không giấu ý định thống lĩnh thị trường Việt với mong muốn tới 2020 sẽ mở 20 TTTM tại Việt Nam.

Tận dụng tâm lý tin cậy và thích dùng hàng Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước khác.

Với việc khai trương trung tâm mua sắm Robins vào ngày 20/4 vừa qua, tập đoàn Central, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan, đã chính thức tiến vào thị trường Việt Nam với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ được ưa chuộng nhất.

Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn về sức mua với hơn 60% dân số đang ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. Vì thế, Việt Nam đã trở thành thị trường mục tiêu tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ.

50% thị phần bán lẻ hiện đại Việt đã rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại.


Muốn tận dụng lợi thế cùng là thành viên tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Wal Mart của Mỹ đã tăng tốc thu mua hàng để chuẩn bị sàng lọc đội ngũ các nhà cung ứng ngay từ tháng 6/2013, khi họ chính thức được cấp giấy phép mở công ty thu mua hàng tại Việt Nam. Gần đây, trước tình hình miếng bánh lớn thị trường bán lẻ Việt Nam liên tiếp đón các nhà bán lẻ thế giới đến làm ăn, họ cũng lên tiếng, sẽ đầu tư hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam.

Auchan (Pháp) - một tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez - kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, dự kiến sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới. Với nửa tỷ USD này, nhiều chuyên gia khẳng định, đây sẽ là một đối thủ lớn của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Mới đây, tỷ phú Central Group đã chính thức mua đứt Big C Việt Nam. Thương vụ đánh dấu thêm 1 chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam về tay người Thái, sau chuỗi Metro Cash & Carry. Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan vừa mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi và một trang thương mại điện tử với giá 1,05 tỉ USD.

Trước đó, người Thái cũng đã có hàng loạt thương vụ trên thị trường bán lẻ Việt Nam như thương vụ Central Group mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim, hay việc Berli Jucker đánh bật chuỗi Family mart để thành lập B'mart...

Như vậy, chỉ riêng hai đại gia Thái Lan đã sở hữu trên 50 siêu thị và hàng loạt cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, bao vây thị trường bán lẻ Việt. Tính chung, đến thời điểm này, hơn 50% thị phần bán lẻ hiện đại Việt đã rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại.

Các đại gia Thái làm gì sau khi “nuốt trọn” siêu thị Việt?

Thông thường khi mua bán, thâu tóm siêu thị tại Việt Nam, các đại gia ngoại luôn cam kết rằng họ sẽ ưu tiên số một cho hàng Việt. Nhưng thực tế có đúng như vậy không?

Một số công ty Việt than thở sau khi Metro rơi vào tay người Thái, hàng hóa của họ đưa vào hệ thống siêu thị này giảm hẳn. “Dù họ không tuyên bố từ nay sẽ không lấy hàng của doanh nghiệp (DN) Việt nhưng họ tìm nhiều cách để hạn chế hàng Việt. Họ từng bước đưa hàng của nước họ vào siêu thị để thay thế hàng Việt. Chính vì vậy nếu trước đây hàng Việt vào siêu thị được 10 phần thì nay giảm chỉ còn hai, ba phần” - đại diện một công ty sản xuất nước mắm thông tin.

Không chỉ các siêu thị lớn như Metro, mới đây, Big C cũng bị các doanh nghiệp Việt phàn nàn rằng: Big C thuộc sở hữu của người Thái đang “chê” hàng Việt khi một số đơn vị phản ánh: Big C đang đòi tăng chiết khấu quá cao thêm 4 – 5% nữa.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, đại diện siêu thị Big C khẳng định: Kế hoạch bán hàng Việt sau khi Big C về tay ông chủ người Thái không có gì thay đổi.

Để minh chứng cho điều này, mới đây, ngày 17/5/2016, tại siêu thị Big C Trường Chinh (Tp. Hồ Chí Minh), hệ thống siêu thị Big C đã tổ chức triển khai chương trình “Hàng Việt trong tim người Việt”, diễn ra từ ngày 17/05 đến 08/06/2016 tại các siêu thị Big C trên toàn quốc.

Kế hoạch bán hàng Việt sau khi Big C về tay ông chủ người Thái không có gì thay đổi. Ảnh: Big C.


Tại chương trình, Ban tổ chức cũng giới thiệu một số nhà cung cấp đã thành công trong việc phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường sau khi hợp tác với hệ thống siêu thị Big C như: Công ty Rừng Hoa Bạch Cúc (Đà Lạt) đã tìm được đầu ra ổn định ở siêu thị và phát triển thành công thương hiệu rau quả nổi tiếng xanh, sạch; Công ty TNHH Rượu mận Sáu Tia (Cần Thơ) ban đầu chỉ sản xuất nhỏ lẻ ở địa phương, sau khi có được cơ hội hợp tác với Big C Cần Thơ, sản phẩm rượu mận Sáu Tia của công ty đã nhanh chóng xây dựng được uy tín thương hiệu, từ đó mở rộng thị trường và tạo được sự chú ý đối với giới khoa học, các cơ quan chức năng, người tiêu dùng,…

“Những ví dụ này thêm một lần nữa minh chứng cho sự đồng hành của hệ thống siêu thị Big C với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam” - Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ Công chúng của Big C nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Dương Phương Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP