Thế giới

Dải Gaza và 6 tuần bất an

Hàng chục ngàn người Palestine tuần hành đòi quyền được trở về vùng đất hiện là lãnh thổ của Israel.

Một cuộc tuần hành lớn của người Palestine ở Dải Gaza hôm 30-3 nhanh chóng trở thành bi kịch sau khi xảy ra đụng độ giữa họ và lực lượng an ninh Israel. Ít nhất 17 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trong ngày đẫm máu nhất tại Gaza kể từ cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hamas năm 2014, theo ông Riyad Mansour, đại diện của Palestine ở Liên Hiệp Quốc. Phần lớn thương vong gây ra bởi đạn thật, đạn cao su và hơi cay.

Theo đài CNN, bạo lực bùng phát sau khi hàng chục ngàn người Palestine tuần hành về phía hàng rào dài 65 km dọc biên giới giữa Gaza và Israel để đòi quyền được trở về vùng đất hiện là lãnh thổ của Israel. Một số người biểu tình đã ném đá về phía binh sĩ Israel, dẫn đến hành động đáp trả mạnh tay.

Một phụ nữ Palestine bị thương trong cuộc đụng độ với binh sĩ Israel ở Gaza hôm 30-3 Ảnh: REUTERS

Phía Palestine cáo buộc Israel sử dụng vũ lực quá mức khi triển khai cả lính bắn tỉa và xe tăng. Các nhân chứng nói một máy bay không người lái được sử dụng để xả hơi cay xuống người biểu tình. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập, minh bạch về làn sóng bạo lực mới nhất tại Gaza mà Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas quy trách nhiệm hoàn toàn cho phía Israel.

Đáp lại, tuyên bố của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cáo buộc hàng ngàn người Palestine "bạo động, ném đá, đốt lốp xe lăn về phía binh sĩ được triển khai phía bên kia hàng rào". Họ cảnh báo thêm bất kỳ hành động nào xâm phạm chủ quyền Israel sẽ bị xử lý cứng rắn. Một quan chức Israel nói thêm với CNN rằng trong số những người thiệt mạng có "một số phần tử khủng bố", như 2 thành viên của phong trào Hamas đang kiểm soát Gaza.

Cuộc đối đầu leo thang hơn nữa trong ngày 31-3 khi chiến đấu cơ Israel tấn công 3 địa điểm của Hamas để đáp trả việc một vị trí của IDF bị bắn ở miền Bắc Gaza. Xe tăng Israel cũng bắn về phía 3 địa điểm nói trên.

Cuộc biểu tình lớn nhất ở Dải Gaza trong nhiều năm trở lại đây diễn ra trùng với kỷ niệm 42 năm "Ngày đất đai" của người Palestine, đánh dấu sự kiện Israel tịch thu đất đai của người Palestine hồi năm 1976. Dù vậy, tâm điểm chính là yêu cầu người tị nạn Palestine có quyền trở về những thị trấn, làng mạc mà gia đình họ buộc phải rời đi hoặc bị xua đuổi khi nhà nước Israel ra đời năm 1948.

Ông Fawzi Barhoum, người phát ngôn của Hamas, cho biết cuộc biểu tình phản ánh quyết tâm và ý chí của người Palestine trong việc đòi quyền trở về và "phá vỡ sự phong tỏa" diễn ra từ năm 2007 đối với Gaza. Tuy nhiên, AP nhận định thêm cuộc biểu tình là dấu hiệu về sự tuyệt vọng của người dân tại Dải Gaza, nơi cuộc sống trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây.

Israel lâu nay vẫn khước từ yêu cầu trên do lo ngại sự trở về của người Palestine sẽ ảnh hưởng đến thế đa số của người Do Thái. Họ lập luận người tị nạn nên tái định cư tại một nhà nước tương lai mà người Palestine tìm kiếm tại khu Bờ Tây đang bị Israel chiếm đóng và Dải Gaza.

Người ta lo ngại tình hình tại đó có thể thêm tồi tệ trong những ngày tới sau khi người Palestine cho dựng lều trại tại 5 địa điểm dọc biên giới để chuẩn bị cho cuộc biểu tình dự kiến kéo dài 6 tuần đến ngày 15-5 tới. Người Palestine gọi đây là ngày Nakba (còn gọi là thảm họa), đánh dấu sự kiện khoảng 700.000 người Palestine rời bỏ nhà cửa do cuộc chiến Ả Rập - Israel xảy ra hồi năm 1948.

Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có 1,3 triệu người Palestine sống tại Gaza đăng ký là người tị nạn. Nguy cơ biểu tình, đụng độ còn gia tăng sau khi Mỹ có ý định dời đại sứ quán từ TP Tel Aviv đến TP Jerusalem ngày 14-5 nhân kỷ niệm 70 năm ngày Israel tuyên bố độc lập.

Tác giả: Phương Võ

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: dải Gaza , Palestine , Israel

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP