Các nghi thức an táng truyền thống tồn tại hàng thế kỷ ở nhiều nước châu Á giờ đây không còn thích hợp do thiếu đất chôn, chi phí mai táng tăng và quy mô gia đình nhỏ đi.
Hỏa táng ngày một phổ biến
Khoảng 60% người lớn tuổi trên thế giới hiện sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2050, hơn 10% dân số này sẽ từ 80 tuổi trở lên và tập trung ở Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan - theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc.
Một gia đình rải tro người thân đã khuất xuống biển ở vịnh Tokyo - Nhật Bản Ảnh: NIKKEI ASIAN REVIEW |
Ở Singapore, nơi dân số đang già đi và đề tài mai táng vẫn còn là điều cấm kỵ, tổ chức từ thiện Nam Hong Welfare Service Society phục vụ mai táng miễn phí cho những người lớn tuổi không có họ hàng hoặc không thể kham nổi chi phí. Còn ở Philippines, hỏa táng ngày một phổ biến, một phần do các quan niệm thay đổi và một phần do ít tốn kém hơn chôn cất truyền thống. Trong khi đó, tình trạng quá tải của các nghĩa trang ở Hàn Quốc buộc nhiều người dân tìm đến phương án hỏa táng, trong lúc chính phủ xúc tiến hình thức an táng "tự nhiên" như một lựa chọn thay thế.
Theo Tạp chí Nikkei Asian Review, Trung Quốc đại lục cũng đang thay đổi từ an táng truyền thống sang hỏa táng, với thời gian cho thuê chỗ để lưu trữ tro hỏa táng trong 20 năm. Ngoài ra, các hình thức "an táng xanh", tức tro hỏa táng có thể được rải tại khu vườn tưởng nhớ bên trong nghĩa trang hoặc ngoài biển, được lựa chọn nhiều.
Ở Hồng Kông, công việc kinh doanh và các truyền thống liên quan đến tang lễ có nhiều thay đổi trong những năm qua. Ở thành phố với giá đất vào hạng cao nhất thế giới, người ta dành nhiều quan tâm vào chi phí chôn cất leo thang và tình trạng khan hiếm chỗ cho người chết hoặc bình tro cốt. Thách thức không nhỏ lúc này là tình trạng thiếu nơi lưu giữ bình tro cốt, khiến người ta có thể chờ đợi nhiều năm mới có chỗ.
Chính quyền đặc khu ngoài nỗ lực tăng nguồn cung còn đẩy mạnh hình thức "an táng xanh" và lập một website để thân nhân, bạn bè người quá cố có thể tạo ra những trang riêng với hình ảnh, video, tiểu sử và sổ lưu niệm để mọi người viết lời chia buồn.
Bà Betsy Ma, điều hành một công ty dịch vụ mai táng ở Hồng Kông, cho biết khi bà bắt đầu công việc vào năm 2011, chỉ 10% khách hàng chọn "an táng xanh" cho người thân. Còn nay, con số này vào khoảng 60%-70%. Chi phí cho hình thức an táng này chỉ 9.800 HKD, bao gồm làm giấy khai tử, hỏa táng và các dịch vụ cơ bản khác. Để so sánh, một lễ an táng truyền thống có thể tốn 55.800 HKD.
Rải tro xuống biển
Cũng như Hồng Kông, đa số người quá cố ở Nhật được hỏa thiêu và tro hỏa táng lưu giữ trong một cái hũ đặt tại nghĩa trang gia đình và được người thân chăm sóc. Thế nhưng, nhiều người giờ đây cho rằng những nghi thức phức tạp như thế không thực tế ở một xã hội đang có dân số ngày càng ít và già đi trong lúc "những cái chết đơn độc" trở thành mối lo ngại toàn quốc. Theo Công ty Nghiên cứu an táng Kamakura Shinsho, số lễ tang truyền thống ở Nhật trong năm 2015 chiếm 59% và đã giảm còn 52,8% trong năm 2017.
Ngày nay, do khó tìm được một huyệt mộ thích hợp cũng như chi phí tổ chức lễ tang truyền thống không rẻ, người Nhật đã thực hiện những nghi thức mới để an táng người quá cố. Rải tro cốt ngoài biển dường như là giải pháp cho vấn đề này, cũng như giúp người Nhật không phải tốn thời gian vào công việc chăm sóc phần mộ người thân. Nhiều doanh nghiệp Nhật đã cung cấp dịch vụ thay thế các nghi thức an táng truyền thống, thu hút nhiều người sử dụng hơn trong 10 năm trở lại đây. Công ty Blue Ocean Ceremony mỗi năm tổ chức 300 lễ tang trên tàu để rải tro hỏa táng xuống biển, với chi phí thấp nhất là 50.000 yen.
Đi xa hơn là ý tưởng tổ chức buổi tiệc giã biệt dành cho người cao tuổi biết họ có thể không còn sống bao lâu nữa. Cô Mari Matsui, người nảy ra ý tưởng trên, cho rằng đây được xem là cơ hội tốt để người cao tuổi giao tiếp với người thân và bạn bè trước lúc đi xa. Cô cho biết đang tìm kiếm sự đầu tư để khởi nghiệp trong lĩnh vực mới lạ này.
Tác giả: Ngô Sinh
Nguồn tin: Báo Người lao động