Cũng giống như thủ đô hoa lệ Paris của Pháp, metro được người Nga tự hào như một đặc sản, đã tồn tại trong lòng đất suốt thế kỷ qua ở Moscow và nhiều thành phố lớn khác của xứ sở bạch dương.
Ở nhiều nước khác, việc đi metro khá dễ dàng. Tuy nhiên, ở Nga, đặc biệt tại Moscow, hệ thống metro khá dày đặc với gần chục tuyến tàu, đường tàu đan xen. Du khách nước ngoài sẽ khá bực mình khi tên trạm, tên ga toàn viết bằng tiếng Nga. Hầu như du khách đến Nga đều phải tải về điện thoại thông minh những ứng dụng chuyển đổi ngôn ngữ hoặc cẩn thận hơn thì chịu khó lên internet, chụp lại bản đồ hoặc lưu lại thông tin từng chuyến tàu.
Rắc rối như vậy nhưng được cái mỗi trạm tàu ở đây là cả một công trình văn hóa - nghệ thuật. Chán "sống ảo" bên trên thì xuống lòng đất tìm hiểu cuộc sống metro, khá lý thú. Khách du lịch xuống dưới lòng đất chỉ cần đi chụp ảnh, tận hưởng cuộc sống muôn màu nơi đây có lẽ cũng phải mất cả tuần lễ. Mà mỗi lần lên xuống trạm cứ tưởng đang đi cáp treo lên Fansipan.
Thang cuốn thôi cũng đã cao và nhiều tầng khủng khiếp. Ga nào cũng đông người đi nhưng không hề có cảnh xô bồ, mất trật tự. Các chuyến tàu cũng cách có 2-3 phút. Thấy gió thổi mạnh dưới chân là biết chuẩn bị lên tàu.
Trong mùa World Cup, đi tàu điện ngầm cũng là cách hay để theo dõi bóng đá lẫn các tin tức thể thao. Theo chính quyền Moscow, gần 9.000 màn hình được lắp đặt ở tất cả các tuyến. Khi nào có trận đá thì ngồi trên tàu coi trực tiếp luôn. Thời gian khác toàn chiếu lại ngẫu nhiên nhưng số người xem cũng không ít. Giết thời gian kiểu này, du khách cũng như người Nga hài lòng ra mặt. Có thể nói chính quyền của tổng thống Putin lại ghi điểm vì phục vụ khán giả hết sức tận tâm.
Đội tuyển Nga vào đến tứ kết, câu chuyện bóng đá lại được bàn tán rôm rả hơn trên các chuyến tàu dưới lòng Moscow.
Tác giả: Thiên Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động