Cuộc hội đàm giữa các đại diện TPP chiều 10/11 phải hoãn lại. (Ảnh: Getty) |
Cuộc họp báo lúc nửa đêm
Theo hãng tin Huffington Post, Bộ trưởng thương mại Francois-Philippe Champagne đã triệu tập các phóng viên lúc nửa đêm để nói rằng Bộ trưởng thương mại của 11 quốc gia TPP, trong đó có Canada, đã nhất trí nhiều sửa đổi để tiến gần hơn tới hoàn tất hiệp định thương mại tự do này.
Sau khi cuộc họp buổi chiều qua bị hủy, các bên đã nhóm họp sau đó và nhất trí một số điều cơ bản của cái gọi là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ.
Theo đó, các nước TPP nhất trí hoãn một số điều khoản gây tranh cãi từ dự thảo TPP ban đầu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Canada từ lâu đã hối thúc chính phủ đề nghị loại bỏ những điều khoản này khỏi hiệp định.
Cũng theo ông Champagne, các nước nhất trí lập ra một thỏa thuận khung để giải quyết các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ đối với lĩnh vực chế tạo ô tô cũng như vấn đề liên quan đến văn hóa trong hiệp định.
Các bên cũng nhất trí điều chỉnh các điều khoản trong hiệp định liên quan đến môi trường và tiến tới bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Lý do Thủ tướng Trudeau vắng họp
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (Ảnh: Reuters) |
Những xác nhận của Bộ trưởng Champagne phần nào xua đi những lo ngại về số phận của TPP sau sự cố Thủ tướng Canada Justin Trudeau bất ngờ vắng mặt tại buổi hội đàm giữa các đại diện 11 quốc gia TPP vào chiều qua 10/11 bên lề Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Sự vắng mặt của ông Justin cùng với tuyên bố trước đó của ông rằng Canada sẽ không vội vã ký kết TPP làm dấy lên lo ngại rằng Canada có thể có ý định rút khỏi TPP.
Tuy nhiên, lý giải về sự cố này, Bộ trưởng Champagne cho biết đó là do “hiểu lầm về chương trình nghị sự”. Theo ông Champagne, Thủ tướng Justin đã có cuộc họp song phương quan trọng với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe vào chiều qua. Cuộc họp kéo dài 50 phút và lâu 25 phút so với dự tính ban đầu.
TPP ban đầu gồm 12 quốc gia, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam. TPP được đàm phán dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, TPP nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên vốn chiếm 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, người kế nhiệm của ông Obama là Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay khi nhậm chức đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP đầu năm 2017. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, 11 thành viên còn lại đã nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán về cách thức nhằm duy trì TPP. |
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí