Pháp luật

Cuộc chiến pháp lý giữa ông lão thương binh với công ty cao su

Đòi ông Lê Hữu Chí chia lợi tức trồng rừng song Công ty cao su Hương Khê không đưa ra được hợp đồng gốc.

Tháng 8/2017, ông Lê Hữu Chí (trú xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị Công ty cao su Hương Khê khởi kiện tranh chấp hợp đồng giao khoán trồng rừng liên quan một số thửa trong 82ha đất trồng keo mà ông được chính quyền cấp từ năm 1992.

Theo đơn khởi kiện, năm 2003, Công ty Lâm nông công nghiệp Hà Tĩnh (tiền thân của Công ty cao su Hương Khê) ký hợp đồng hợp tác trồng rừng với ông Chí trên diện tích 7,74 ha tại tiểu khu 214, thuộc dự án trồng rừng nguyên liệu của Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam.

Hợp đồng nêu, khi có lợi nhuận, công ty và xí nghiệp được hưởng 57%. Ông Chí được hưởng 40%, UBND xã Hương Giang hưởng 3%. Công ty tính toán, rừng keo thời điểm trồng đã 13 năm, sản lượng 120 tấn một ha, tổng số tiền bán sản phẩm keo rừng hơn một tỷ đồng, chi phí hơn 500 triệu. Trong số tiền còn lại gần 500 triệu, công ty cao su cần được hưởng 57%.

Đại diện Công ty cao su Hương Khê tại tòa. Ảnh: Đức Hùng

Đơn vị này cho hay nhiều lần thông báo bằng văn bản cho ông Chí để thanh lý hợp đồng song không được hợp tác. Cho rằng ông Chí vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại về kinh tế, công ty khởi kiện đòi công nhận quyền khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm với số cây keo trên diện tích rừng ông Chí đang trồng.

Đầu tháng 7, tại phiên xử sơ thẩm, TAND huyện Hương Khê khẳng định hợp đồng công ty cao su đưa ra không tồn tại trên thực tế. Tòa do đó bác toàn bộ đơn khởi kiện.

Công ty Cao su Hương Khê kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên phúc thẩm mở hôm qua, công ty cử hai người đại diện và mời thêm luật sư. Đơn vị này tiếp tục khẳng định trên thực tế có hợp đồng với ông Chí, song bản gốc đã thất lạc. "Luật quy định hợp đồng có thể giao tiếp bằng lời nói hoặc văn bản, nên chúng tôi căn cứ những gì ông Chí đã nói trước đó", đại diện công ty cao su lập luận.

Thẩm phán Bùi Đình Thông cho rằng, trên thực tế có thể làm hợp đồng bằng miệng, nhưng với điều kiện người cùng thực hiện phải đồng ý. "Đằng này ông Chí nói không ký hợp đồng bằng miệng, vậy thì lấy cơ sở nào để công nhận?", ông Thông hỏi.

Luật sư nguyên đơn đáp: "Vì ông Chí không thừa nhận nên mới có vụ kiện này". "Hàng năm có hai cuộc kiểm toán, nếu các chứng từ bất hợp pháp thì chúng tôi đã bị xử lý theo pháp luật rồi. Đất đó là của nhà nước, không thể nói đùa", vị đại diện trình bày.

Ông Lê Hữu Chí chất vấn phía nguyên đơn. Ảnh: Đức Hùng

Ngồi ở phía đối diện, ông Chí nhiều lần đứng dậy chất vấn lại, cho ha là thương binh chỉ "muốn yên ổn làm ăn, không thích đi kiện như thế này, rất mệt mỏi và mất thời gian, công sức".

"Tôi không ký hợp đồng nào cả. Việc họ nói thất lạc hồ sơ là do năm 2010, 2013, 2014 bị ảnh hưởng bởi lũ lụt là không thuyết phục. Những năm đó trong xã chỉ có các xóm 3,4 và 10 bị thiệt hại. Còn công ty cao su nằm ở xóm 9, vị trí đất cao, không hề hấn gì, làm gì có chuyện thất lạc", ông Chí gắt.

HĐXX đánh giá, hợp đồng của công ty cao su với ông Chí trên thực tế không có thực. Cả hai phiên xử, đơn vị này cũng không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan. Như vậy nội dung kháng cáo yêu cầu công nhận hợp đồng, hưởng phần lợi tức khai thác từ đất trồng keo của ông Chí là không có cơ sở.

Tòa tuyên bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Hương Khê.

Rời phiên tòa, ông Chí bảo từ hôm nay "ăn ngon ngủ yên", bởi mấy hôm trước lo lắng, chạy đôn chạy đáo. Ông chia sẻ, nếu nguyên đơn làm căng, tiếp tục kiện, ông sẽ làm hồ sơ khởi kiện lại họ về tội làm giả giấy tờ.

Tác giả: Đức Hùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP