Kinh tế

Cục trưởng Quản lý thị trường: Còn có công chức buông lỏng quản lý dẫn đến sai sót

“Năng lực và trình độ chuyên môn của công chức quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều, không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính”, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Trịnh Văn Ngọc nói.

Ngày 26/1, Bộ Công Thương tổ chức tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của lực lượng quản lý thị trường.

Báo cáo tổng đưa ra tại hội nghị cho thấy những điểm “nóng” được dư luận quan tâm như buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả cũng như an toàn thực phẩm… đều chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Cục trưởng Cục quản lý thị trường Trịnh Văn Ngọc cũng thừa nhận, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại và tình hình vi phạm an toàn thực phẩm diễn ra “rất phức tạp”.

“Việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu chủ yếu vào các nhóm hàng như hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, diện tử điện lạnh, xe đạp điện, xe máy điện…”, ông Ngọc cho biết.

Cũng theo ông Ngọc, hiện nay tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón phân giả, kém chất lượng là mối lo ngại đối với người nông dân. Ngoài việc làm giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả các mặt hàng được tiêu thụ tốt trong nước, giả xuất xứ Việt Nam để đưa vào trong nước tiêu thụ.

Ngoài ra, tình trạng an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn hiện tượng sử dụng hoá chất, chất cấm, chất phụ gia không được phép sử dụng trong bảo quản và chế biến nông sản, thuỷ sản, thực phẩm.

Theo báo cáo năm 2017, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 164.355 vụ (giảm 2% so với năm 2016), tổng số thu nộp ngân sách là 511 tỷ đồng (giảm 7% so với năm 2016), ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 215 tỷ đồng, ước giá trị hàng tiêu huỷ là trên 206 tỷ đồng.

Bên cạnh những mặt tích cực trong việc cố gắng kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Trịnh Văn Ngọc cũng cho biết vẫn còn một số điểm tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể như hệ thống văn bản chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khácc nhau, trong khi việc sửa đổi bổ sung còn chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho lực lượng thục thi nhiệm vụ.

Ông Ngọc cũng cho biết, một vướng mắc lớn của cơ quan này đó là lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, trong khi đó phải tổ chức quản lý, kiểm tra lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Đáng lưu ý, mặc dù lực lượng mỏng những lực lượng này vẫn phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, giải toả chợ… Trong khi đó nguồn lực về cơ sở, vật chất còn người còn hạn chế.

Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng thừa nhận cơ quan này chưa chủ động trong công tác theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu để xuất xử lý các vấn đề vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường.

“Năng lực và trình độ chuyên môn của công chức quản lý thị trường ở một số đơn vị chưa đồng đều, không ít công chức chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, còn có công chức buông lỏng quản lý, chưa chấp hành đúng quy định trong hoạt động công vụ, dẫn đến sai sót trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính”, ông Ngọc nói.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP