Bà Salima Khan (SN1931) đang theo học tại trường Tiểu học làng Chavalli, quận Bulandshahr, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Dù đã lớn tuổi, nhưng hàng ngày bà vẫn chăm chỉ cùng đứa chắt nội đi học đầy đủ.
Cụ Salima Khan học cùng lớp với các bạn học chỉ bằng tuổi chắt của mình. |
Thời thơ ấu, ngôi làng nơi bà Salima sống không có trường học. Bà kết hôn năm 14 tuổi và sinh được 4 con trai, 1 con gái. Trong thời gian nuôi con, bà kiếm sống bằng nghề nông và không có thời gian để học chữ.
Thời gian dần trôi, sau khi các con, cháu khôn lớn, lập gia đình, sức khoẻ của bà cũng giảm sút không thể đi làm được nữa. Mỗi buổi sáng ngồi trước cửa nhà, chứng kiến lũ trẻ ríu rít gọi nhau tới trường, bà Salima chợt nhận ra rằng mình cũng muốn được đến trường như bọn trẻ.
Vào đầu năm 2023, khi biết trường học cung cấp bữa trưa miễn phí cho học sinh, bà Salima càng quyết tâm đi học để vừa biết chữ, vừa không trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình con cháu. Bà ghi tên theo học tại trường Tiểu học làng Chavalli.
Lúc đó, hiệu trưởng và các giáo viên rất do dự. Họ đều hiểu rằng, việc dạy một bà lão mù chữ biết đọc biết viết rất khó khăn và chính bà cũng sẽ khó có thể kiên trì được. Thế nhưng thái độ của Salima rất chân thành và kiên quyết đã khiến các giáo viên yên tâm.
Cụ Salima chơi đùa với "các bạn" cùng lớp trong giờ ra chơi. |
Bà Salima trở thành học sinh tiểu học ở tuổi 92, ngồi trong lớp và đọc sách cùng một nhóm trẻ kém bà hơn 80 tuổi.
Chân bà bị đau nên đi bộ tới trường rất khó khăn. Đồng thời, mắt của bà bị đục thủy tinh thể nên thị lực kém và khó viết. Dù vậy những khó khăn này không hề cản trở bà Salima trên con đường tìm cái chữ.
Mỗi buổi sáng, cháu trai đều đưa bà và đứa chắt nội 10 tuổi đến trường. Tan học, người nhà sẽ tới đến đưa bà về.
Tám tháng sau khi bắt đầu đi học, bà biết viết tên mình, đếm số từ 1 đến 100 và đếm, điều mà trước đây bà không thể làm được.
"Trước đây tôi không biết đếm tiền, đếm số, đi chợ thường bị lừa. Bây giờ mọi người sẽ không lừa được tôi nữa. Các giáo viên đã dạy rất nhiều điều và bây giờ họ nói tôi vẫn phải làm bài kiểm tra. Tôi đến trường vì thích học và tôi đã học đếm và đọc".
Trong phòng thi, Salima trở thành tâm điểm chú ý nhưng bà không hề run vì đã ôn bài rất tốt. Nếu vượt qua kỳ thi này và lấy được chứng chỉ, bà sẽ chính thức thoát nạn mù chữ và góp phần vào sự phát triển dân số biết chữ của Ấn Độ.
Bang Uttar Pradesh, nơi Salima sinh sống, tỷ lệ biết chữ tương đối thấp, khoảng 30% phụ nữ mù chữ. Câu chuyện của bà Salima lan truyền trên mạng xã hội và bà trở thành hình mẫu cho nhiều phụ nữ.
Cụ Salima trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ mù chữ. |
Tấm gương hiếu học của cụ Salima tác động tích cực đến người khác. Riêng ở làng của Salima, sau khi bà bắt đầu đi học, ít nhất 25 phụ nữ trong làng đã nộp đơn xin vào trường tiểu học này, trong đó có hai cô con dâu của bà.
"Câu chuyện của Salima củng cố niềm tin rằng việc theo đuổi kiến thức là không có giới hạn độ tuổi", các quan chức của Sở giáo dục Uttar Pradesh cho biết.
Hiệu trưởng trường tiểu học cũng đánh giá, tất cả chúng tôi đều muốn bà ấy vượt qua kỳ thi. Mọi người trong làng muốn bà làm tấm gương để truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa dấn thân vào con đường học tập.
Tác giả: DIỆU ANH
Nguồn tin: vtc.vn