Kinh tế

Cơn sốt ở Hoài Đức: Mua đất 'trên trời', 10 năm ôm hận

Mua đất dịch vụ tại Hoài Đức (Hà Nội) không ít nhà đầu tư ngán ngẩm khi tới nay đã 10 năm nhưng vẫn chưa hề biết vị trí lô đất ở đâu. Bỏ tiền tỷ nhưng giờ thu lại vài trăm cũng là điều khó.

Mua đất như đánh bạc

“Đất dịch vụ giá ở trên trời, tôi làm sao mà biết được”, đó là câu trả lời chị Hoa (Ba Đình, Hà Nội) nhận được mỗi khi gọi chủ đất. Năm 2008, tích cóp được 1 tỷ đồng, vợ chồng chị Hoa đã đổ vào ôm đất dịch vụ tại Hoài Đức. Tuy nhiên, tới thời điểm này, chị vẫn chưa xác định được ở vị trí nào.

Chị lo lắng: “Mua miếng 'đất ảo' 50 m2 với giá hơn 1 tỷ đồng bán mãi mà không được. Tôi chỉ mong xã An Khánh sớm tổ chức bốc thăm để biết lô đất mình nhận chính xác là vị trí nào.

Hiện nay, chị Hoa lo ngại nhất là việc liên hệ với chủ cũ và nhiều khả năng dễ bị “hành” chi thêm tiền. Trước đây, chị cũng từng được một người bạn cảnh báo về hiện tượng này. “Giờ 'nó' bắt chi thêm 100 triệu đồng để làm giấy tờ, tôi có thể chi. Nhưng không biết đã phải lần chi cuối cùng chưa hay tới khâu nào đó, 'nó' lại vòi thêm mấy trăm triệu nữa thì chết... ”, chị cho biết thêm.

Nhiều dự án chưa giao đất dịch vụ (Ảnh: Tuấn Linh)

Nhiều môi giới, cá nhân phất lên nhờ bán đất dịch vụ “hơi”, còn không ít “Thượng đế” phải “ôm hận” vì ném tiền vào các lô đất được người dân tự ý lấn chiếm xây dựng nhà trái phép. Mua bán đất dịch vụ khá phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi tính pháp lý của các lô đất tại nhiều khu vực chưa rõ ràng. Hầu hết các hộ dân chỉ có phiếu thu tiền đóng phần trăm làm cơ sở hạ tầng và giấy chứng nhận xã về quyền được phân đất dịch vụ.

Chị Nguyễn Thu Trang (Hải Phòng) còn không nhớ nổi tới mảnh đất dịch vụ ở An Khánh mua cách đây gần chục năm. Hiện tại, chứng nhận cho mảnh đất hơn 800 triệu của chị chỉ là tờ giấy viết tay.

Chị cho hay, một suất đất dịch vụ (khoảng 50m2) có giá khoảng 40-70 triệu đồng. Khi thị trường sốt nóng, con số này đã lên đến 300-350 triệu đồng/suất, thậm chí có gia đình bán cả tỷ đồng.

Những lời đường mật thường thấy khi có khách tìm mua đất dịch vụ là “đã xong phần cơ sở hạ tầng, chuẩn bị bốc thăm chia lô, cuối năm bàn giao đất xây nhà, nhà tự xây, giá hợp lý, giấy tờ đầy đủ có công chứng, ủy quyền, đã có giấy xác nhận diện tích được giao,... ”.

Cò đất chờ thời lên quận

Sau mỗi lần có tin đồn huyện Hoài Đức tương lai sẽ lên cấp quận, giá đất dịch vụ lập tức bị đẩy cao. Nhiều mảnh đất đang được định giá 27 triệu đồng/m2, thậm chí đất nền thổ cư lâu năm tại một số xã lên tới 40 triệu đồng/m2.

Sau khi có quyết định đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành đô thị cấp quận thuộc Hà Nội vào năm 2020 do chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, một lần nữa đất nền Hoài Đức lại gây sốt. Tuy nhiên, đất tăng giá theo từng địa bàn khác nhau.

So với cách đây hơn một năm giá đất dịch vụ thuộc xã An Thọ dao động trên dưới 20 triệu đồng/m2. Theo khảo sát, một số lô đất đang rao bán với giá 27 triệu đồng/m2. Đất dịch vụ tại đây được đánh giá vị trí địa lý đẹp, thời hạn bốc thăm nhận đất sắp đến, nên đang ở mức cao so với đất thuộc các xã như An Thượng: 14,5 triệu đồng/m2, Yên Lũng: 20 triệu đồng/m2, xã Vân Lũng: 14 triệu đồng/m2.

Cò đất đang gom chờ lên quận (Ảnh: Tuấn Linh)

Tuy vậy, lượng giao dịch thành công đang ở mức rất thấp do người mua vẫn còn do dự về thủ tục mua bán. Trong đó, xã An Thọ người dân đã chính thức nhận đất, nhưng chưa được cấp sổ, người mua có thể sở hữu đất được cho là an toàn thông qua thủ tục vi sổ. Còn với các xã khác, người mua giao kèo bằng giấy tờ viết tay, nhưng cũng chỉ nhận được số thửa, chưa biết vị trí đất cụ thể.

Anh Hưng (một nhà đầu tư tại Hà Nội) gần như đã có trong tay tiền tỷ sau khi đầu tư đất nền Hoài Đức. Cách đây 2 năm, đánh giá đất nền Hoài Đức có thể đầu tư sinh lời tốt, anh quyết định đầu tư một mảnh có diện tích 67m2 với giá 12,5 triệu đồng/m2.

Đến nay, theo giá thị trường, mảnh đất của anh đang được cò đất định giá 31,5 triệu đồng/m2. Tuy vậy, rao bán gần 3 tháng nay vẫn chưa thấy ai hỏi mua.

Thực tế, thị trường đất nền ở huyện này 3 năm trở lại đây vẫn được đánh giá ổn định, không có tính bùng phát, mặc dù giá đã tăng gấp 2 đến 3 lần.

Anh Thành, một nhà tư vấn bất động sản tại An Khánh, Hoài Đức, cho hay, giá đất thuộc địa bàn huyện đang bị đẩy cao do hiệu ứng sắp lên quận, thực chất người mua không mấy mặn mà. Chính vì vậy, giá đất tăng khá cao nhưng lượng giao dịch thành công rất ít.

“Nếu người mua để ở thì rất phù hợp do đất hiện tại giá vẫn chưa phải đỉnh điểm, ít nhiều còn 2 năm nữa mới chính thức lên quận, còn tôi khuyên nếu mua để đầu cơ thì không nên vì thủ tục mua bán vẫn rất rủi ro”, anh Thành nói thêm.

Anh Hiệu ngụ xã Song Phương, Hoài Đức, nhận định, nhiều năm nay giá đất tại đây không theo quy luật cung - cầu. Thông thường, nếu đất được nhiều người quan tâm đương nhiên sẽ tăng theo đúng quy luật của thị trường. Nhưng đây thì ngược lại, giá đất tăng do tin huyện sắp lên cấp quận. Do đó, người dân đang sở hữu đất tự tăng giá theo cảm tính, dẫn đến đặc thù thị trường đất nền ở Hoài Đức 'tăng nhanh nhưng không nóng'.

Ông Nguyễn Văn Đính, Hội môi giới BĐS Việt Nam, nhận định, Hoài Đức là thị trường khá ổn định, không có nhiều đột biến. Lượng tiêu thụ tại Hoài Đức thuộc loại chậm, thể hiện đây là thị trường có tính ổn định, không thấy tính bùng phát.

Ông Đính đánh giá, Hoài Đức là một thị trường tiềm năng bởi đã có quy hoạch và hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị rất tốt.

Tác giả: Duy Anh - Tuấn Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: nhà đầu tư , mua đất , hà nội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP