Xã hội

Con gái rơi nước mắt khi nhận 'kỷ vật đi B’ của cha

Bà Nguyễn Thị Hoa sụt sùi khi ôm vào lòng kỷ vật của người cha gửi lại miền Bắc trước khi vào chiến trường 43 năm trước.

Chiều 23/7, tại khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ trao kỷ vật đi B và khai mạc triển lãm “Kỷ vật đi B - Quảng Trị - Ngày trở về”.

Tại đây, 23 cán bộ đi B và thân nhân cán bộ đi B của tỉnh Quảng Trị nhận lại kỷ vật của mình; đồng thời, hơn 200 tư liệu liên quan cũng được lựa chọn, giới thiệu tại triển lãm.

Những kỷ vật này do chính cán bộ đi B gửi tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ từ 50 năm trước, hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước).

Thân nhân cán bộ đi B nhận kỷ vật. Ảnh: Hoàng Táo

Từ cuối năm 1959, hàng trăm đoàn cán bộ với tinh thần tình nguyện, bí mật vượt Trường Sơn vào Nam, được gọi là “đi B”. 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III bắt đầu tiếp nhận khối hồ sơ kỷ vật này từ Ủy ban Thống nhất Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Hoa (66 tuổi, trú Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị) khóc sụt sùi khi nhận lại những kỷ vật của người cha, gồm huân huy chương và một số giấy tờ tuỳ thân. Năm 1952, khi bà Hoa chưa chào đời thì người cha là Nguyễn Khắc Toản tập kết ra Bắc, công tác tại Phòng Tài chính Công thương thị xã Hưng Yên.

Năm 1965, ông Toản được điều trở lại quê hương chiến đấu. Ngày lên đường vào Nam, ông để lại cả tư trang, hành lý, kỷ vật, thư từ tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Ông hy sinh sau đó ba năm. “Ngày ba mất, mẹ mượn xe kéo rồi dắt tôi theo đưa thi hài ba về. Thương lắm!”, bà Hoa nức nở và chia sẻ sẽ đưa các kỷ vật về nhà để con cháu được biết nhiều hơn về ông ngoại.

Bà Nguyễn Thị Hoa xúc động khi ôm trong lòng các kỷ vật của cha. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Ngô Kiến Tiếu (78 tuổi, trú TP Đông Hà), cho hay mình sinh ra, lớn lên ở Vĩnh Giang, ở bờ bắc sông Bến Hải. Năm 1963, ông Tiếu vào Nam chiến đấu tại năm huyện thị thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm năm sau, ông bị thương nên được đưa trở lại bờ Bắc. Ông bảo hồ sơ đi B của mình tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn, để con cháu sau này giữ lấy truyền thống cha ông.

Ông Trương Sỹ Tiến (78 tuổi, trú TP Đông Hà) nhớ lại, thời đó ai cũng háo hức đi B. Ông kể tập kết ra Bắc, công tác tại trường cấp 3A Ứng Hoà (Hà Tây). Hai lần vào các năm 1968, 1972 ông được điều động đi B, nhưng đều bị trì hoãn.

Năm 1968, khi vừa đến Hà Nội để lên đường vào Nam thì ông Tiến được Trung ương cục điều động phụ trách chuyên môn tại trường Bồi dưỡng Trung ương, chuyên đào tạo cán bộ đi B. “Trung ương nói vùng giải phóng rộng lớn, cần hàng ngàn giáo viên đi B, nên tôi tự động viên mình đào tạo để anh em đi cũng được”, ông Tiến kể.

Các tư liệu tại Triển lãm kỷ vật đi B. Ảnh: Hoàng Táo

Năm 1972, lần thứ hai ông chuẩn bị xách ba lô lên đường vào Nam thì lại nhận nhiệm vụ viết sách giáo khoa phục vụ giáo dục vùng giải phóng. Đến giữa năm 1973, ông mới chính thức trở lại hoạt động trên quê hương Quảng Trị. “Những kỷ vật này giúp tôi nhớ lại một thời trai trẻ của mình”, ông Tiến hào hứng kể.

Hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III giữ 72.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B. Đây không chỉ là thông tin cá nhân và quá trình phấn đấu của các cán bộ đi B, mà còn có giá trị tài liệu độc đáo, đa dạng, gắn với số phận của hàng chục nghìn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt, gia đình ly tán. Hồ sơ này còn là cơ sở để cá nhân, thân nhân giải quyết chế độ chính sách.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho hay thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các địa phương khác để tiếp tục trao trả hồ sơ đi B cho các cán bộ, thân nhân.

Tác giả: Hoàng Táo

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP