Giáo dục

Cô giáo dạy Lịch sử bằng bảo tàng ảo 3D khiến học sinh thích mê

Không cần đến trực tiếp, những học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương vẫn được thỏa thích khám phá các bảo tàng bằng công nghệ ảo 3D.

Sôi nổi, hào hứng là những cảm nhận đầu tiên khi tham gia lớp học Lịch sử của cô Nguyễn Thu Quyên, trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương). Trên bục giảng, cô Quyên thoăn thoắt kết nối máy tính với máy chiếu. Chỉ sau ít phút, trên màn hình máy chiếu hiện lên một căn phòng ảo có không gian 3 chiều như thật. Chỉ bằng một thao tác di chuyển chuột máy tính, cô Quyên đã tiến dần vào “căn phòng” trong bảo tàng ảo, nơi chứa các bức ảnh liên quan đến các sự kiện lịch sử được sắp xếp một cách ngẫu nhiên.

Cô Nguyễn Thu Quyên, giáo viên môn Lịch sử trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) hướng dẫn học sinh tham quan bảo tàng ảo.

Nhiệm vụ của học sinh là sắp xếp lại các bức ảnh cho đúng với tiến trình lịch sử. Ngay sau khi cô giáo đưa ra yêu cầu, cả lớp thi nhau xung phong lên bảng, các em sắp xếp lại các bức ảnh và vào vai hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về bảo tàng.

Trung Hải, một học sinh nhanh tay nhất được gọi lên bảng, đến địa điểm nào, em lại phóng to bức ảnh cho mọi “du khách” trong lớp cùng theo dõi. Những “du khách” hiếu kỳ liên tục đưa ra các câu hỏi về các bức tranh được trưng bài tại bảo tàng ảo 3D khiến tiết học Lịch sử trở nên sôi nổi và sống động hơn bao giờ hết.

"Chúng em được học bảo tàng ảo từ năm 2015. Cách học mới này giúp chúng em có tư duy theo dòng sự kiện lịch sử một cách logic. Bên cạnh đó, bảo tàng Lịch sử 3D còn giúp chúng em phát triển trí sáng tạo, tìm hiểu, đào sâu kiến thức trên lớp và tăng thêm sự hứng thú, đam mê với môn Lịch sử. Được cô Quyên hướng dẫn, em cũng đã tự xây dựng cho mình bảo tàng lịch sử riêng", Hải cho biết.

Chia sẻ về sáng kiến này, cô Nguyễn Thu Quyên cho hay, câu chuyện bắt đầu từ năm 2013 khi nữ giáo viên lần đầu được xem bảo tàng 3D do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xây dựng theo 2 chuyên khảo: "Giá trị di sản văn hóa Việt Nam" và "Đèn cổ Việt Nam". Ấn tượng với không gian rộng lớn mà công nghệ mang lại, cô Quyên đã bắt đầu tìm hiểu.

Theo cô Quyên, công nghệ 3D đã được áp dụng rất nhiều tại các bảo tàng lớn trên thế giới như bảo tàng Louvre (Pháp), bảo tàng Vatican (Italy). Được em trai giới thiệu cho một chương trình Photo 3D album miễn phí, dung lượng thấp, sau 2 năm nghiên cứu, cô Quyên đã bắt đầu đưa bảo tàng 3D vào lớp học lịch sử của mình. Cô hướng dẫn học sinh tạo ra các bảo tàng riêng theo các đề tài về nghề truyền thống và danh lam thắng cảnh lịch sử của Hải Dương, như bánh đậu xanh, Côn Sơn - Kiếp Bạc.

"Tôi nhớ lần đầu tiên sử dụng phần mềm công nghệ này trên lớp, học sinh rất ngạc nhiên với không gian rộng lớn mà bảo tàng mang lại. Vẫn là bức tranh ấy nhưng kết hợp cùng không gian 3D khiến chúng trở nên rộng lớn hơn", cô Quyên kể.

Ngoài bảo tàng ảo, cô còn lên ý định tạo ra những bộ phim lịch sử 3D để phụ trợ các em trong việc học lịch sử. Cụ thể, cô sẽ sử dụng phần mềm để chuyển đổi phim 2D thành phim 3D. Tuy nhiên, để lớp học thành công, cô cần nhà trường hỗ trợ kính VR Box. Với chiếc kính này, học sinh có thể sống trong không gian lịch sử đó.

Theo cô Quyên: "Thực ra, không phải học sinh không thích học lịch sử. Lịch sử với những câu chuyện từ quá khứ là những thứ các em rất thích. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố, việc dạy Sử cho học sinh không được như mong muốn và môn Lịch sử chưa ở đúng giá trị của bộ môn".

Cô Quyên cho hay điều quan trọng nhất là phương pháp giảng dạy của giáo viên. Để khơi gợi sự hứng thú, hăng say học lịch sử của học sinh, cô cho rằng bản thân và các đồng nghiệp phải tích cực đổi mới, sáng tạo. “Giáo viên có tâm huyết mới giúp được học sinh”, cô Quyên nói.

Công trình nghiên cứu bảo tàng ảo 3D mang lại những giá trị thực tế cho người học là 1 trong 10 công trình được đánh giá xuất sắc nhất trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP