Thế giới

Cô gái từ nô lệ tình dục của IS trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa bình

Nadia Murad đã dùng những trải nghiệm đau xót của mình khi bị bắt cóc, bị ép làm nô lệ của IS ở Mosul năm 2014, để trở thành nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho cộng đồng thiểu số Yazidi ở Iraq và cho các vấn đề khác của người tị nạn và quyền phụ nữ.

Cô Nadia Murad (Ảnh: Reuters)

Ủy ban Nobel Hòa bình tại Oslo, Na Uy ngày 5/10 đã công bố giải Nobel Hòa bình 2018 dành cho 2 nhà hoạt động là Nadia Murad và Denis Mukwege vì những nỗ lực của họ trong việc chấm dứt nạn bạo lực tình dục.

Nadia Murad là một nhà hoạt động nhân quyền người Yazidi, người sống sót trở về sau khi bị ép làm nô lệ tình dục trong tay các phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq.

Quãng thời gian nghiệt ngã của cô bắt đầu từ năm 2014 khi phiến quân IS ập tới làng Kocho của cô ở khu vực Kurd, Iraq. Mẹ và 6 trong số 9 anh em của cô bị chúng hành quyết trong khi nhiều phụ nữ chưa kết hôn trong làng bị chúng bắt cóc làm nô lệ tình dục cho các tay súng IS.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước đó với CNN, cô đã hồi tưởng lại thời điểm kinh hoàng vào ngày 3/8/2014. “Gần 6.500 phụ nữ và trẻ em Yazidi bị bắt cóc và khoảng 5.000 người Yazidi bị sát hại vào ngày hôm đó. Suốt 8 tháng, chúng tôi bị chia cắt khỏi bố mẹ và anh chị em, một số người họ bị giết hại hoặc mất tích”, Nadia Murad nói.

Sinh năm 1993, Nadia Murad là một học sinh phổ thông khi các tay súng IS tàn phá làng cô. Cô từng có mơ ước trở thành một giáo viên lịch sử hoặc một chuyên gia trang điểm. Tuy nhiên, cuộc đời cô đã bước sang một ngã rẽ khác khi bị IS bắt cóc và bắt làm nô lệ tình dục.

Cuối cùng cô cũng thoát khỏi sự đày đọa của phiến quân IS ở Mosul. Tại đây, một gia đình Hồi giáo đã giúp cô thay tên, đổi họ, giúp cô trốn khỏi vùng đất do IS kiểm soát.

Trước khi được vinh danh với giải Nobel Hòa bình, Murad từng nhận nhiều giải thưởng hoạt động vì nhân quyền. Cô từng ra mắt một hồi ký với tiêu đề “Cô gái cuối cùng”.

Năm 2016, ở tuổi 23, Murad được bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc, đại diện cho những người sống sót qua nạn buôn người. Cùng năm đó, cô đã hối thúc quốc hội Mỹ mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống khủng bố IS với tuyên bố: “IS sẽ không hạ vũ khí nếu chúng ta không buộc chúng phải hạ vũ khí. Người Yazidi không thể chờ đợi”.

Một năm trước đó, cô đã có bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nói về việc cô đã bị phiến quân bắt cóc, bắt làm nô lệ tình dục như thế nào và các cuộc đào thoát bất thành của cô ra sao.

“Chúng (IS) buôn bán các bé gái, những bé gái chưa đến tuổi vị thành niên, bởi IS cho rằng điều này là hợp pháp theo quy định riêng của chúng. Chúng đến không chỉ tấn công một số người nhất định, chúng đến tấn công tất cả người Yazidi”, Murad nói.

Tác giả: Minh Phương (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP