Giải trí

Cô con dâu nghệ sĩ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Bà Phan Minh Châu - con dâu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - rất giản dị, dân dã, tính cách rất nghệ sĩ.

Bà chính là ca sĩ Minh Châu nổi tiếng hát hay, xinh đẹp một thời và nay là họa sĩ Minh Châu với gia tài vài trăm bức họa được nhiều người yêu thích...

Từ ca sĩ Minh Châu đến con dâu cụ Đồng

Thăm họa sĩ Minh Châu ở xưởng vẽ tầng thượng ngôi nhà ven hồ Tây do ba mẹ bà để lại, khách sẽ tưởng mình lạc vào một khu vườn xinh đẹp.

Người đàn bà này yêu cây cối, từ lâu đã ước được ngồi vẽ giữa cây xanh, ánh sáng và gió trời.

Nay ở tuổi 61, ước nguyện ấy mới thành hiện thực khi bà vừa sửa căn nhà của ba mẹ đẻ dành cho mình.

Ca sĩ Minh Châu ngày trẻ - Ảnh: NVCC

Ngôi nhà cao tầng ngoài không gian dành cho mẹ già và người giúp việc, một tầng dành riêng cho thú đan len và tầng thượng làm xưởng vẽ, còn lại bà Minh Châu cho thuê.

Là con dâu thủ tướng, chồng làm trong quân đội nhưng bao năm gia đình bà sống giản dị đến khó tin.

Mới đây, những người dự ra mắt tập sách mới của cố tác giả Việt Phương - người thư ký suốt đời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng - đã xúc động khi nghe bà Châu nói vài lời chân tình về "chú Việt Phương" và ngân mấy câu hát chạm vào trái tim trong bài Khát vọng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn:

"...Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la/ Và sao không là phù sa, dâng mỡ màu cho hoa/ Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa/ Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư...".

Bà Minh Châu từng là một ca sĩ được yêu thích hồi nửa sau những năm 1980, đầu những năm 1990. Bà có giọng hát sâu lắng đầy cảm xúc và nhan sắc thuộc hàng giai nhân.

Khi giọng hát ấy ngân lên, ký ức về cô ca sĩ Minh Châu "Mimosa" xinh đẹp dội về. Cô ca sĩ một thời từng "đốn tim" bao khán thính giả bằng nhan sắc kiều diễm và giọng hát vừa ấm áp vừa vang vọng, đặc biệt là với bài Mimosa dù nhạc đệm chỉ từ một cây guitar điện.

Không học thanh nhạc chuyên nghiệp, Minh Châu học hát với một số thầy cô. Bà tốt nghiệp Đại học Tổng hợp chuyên ngành văn học Nga.

Bà từng gặt hái nhiều giải thưởng âm nhạc, biểu diễn trong nước và quốc tế, giành được nhiều tình yêu của khán giả.

Nhưng đúng lúc được yêu mến, Minh Châu bỗng mất hút trên các sân khấu lớn. Đó là năm 1994 khi bà về làm dâu nhà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Dù bố chồng "giản dị, tinh tế vô cùng, tôn trọng tuyệt đối tự do cá nhân", nhưng Minh Châu bảo mình "đủ văn hóa để biết ở vị trí của mình thì mình cần làm gì và không nên làm gì". Bà nghỉ hát, làm việc như một công chức ở Cung Việt Xô.

Tuy không còn hát trên các sân khấu lớn nhưng bà vẫn hát khi cơ quan tổ chức đi biểu diễn phục vụ ở các tỉnh thành, các cuộc thi hát cho công nhân, người lao động thủ đô. Và phần lớn thời gian Minh Châu dạy hát cho học sinh, thanh niên sinh hoạt trong câu lạc bộ.

Thời ấy Cung Thiếu nhi và Cung Việt Xô là hai trung tâm lớn dạy năng khiếu nghệ thuật cho thanh thiếu niên Hà Nội. Minh Châu rất thích dạy hát và có biệt tài phát hiện, bồi dưỡng các tài năng. Bà có nhiều học trò thành danh như ca sĩ Cao Thái Sơn, Tống Hoàng Hải...

Lúc làm việc tại Cung Việt Xô, bà được đạo diễn Doãn Hoàng Giang phát hiện, mời đóng vai chính trong vở Những đứa con oan nghiệt.

Vở diễn giành giải xuất sắc khi dự thi Liên hoan sân khấu toàn quốc, còn Minh Châu giành luôn huy chương bạc. Minh Châu còn thử sức với sân khấu khi dựng vở kịch thiếu nhi Cho trái đất mãi xanh, kịch bản của Thắng Loa.

Vở kịch hát đồ sộ gần hai tiếng, hơn 100 diễn viên, dựng trong cả năm trời và thành quả thật xứng đáng khi khán giả thiếu nhi đón nhận nồng nhiệt bởi lần đầu tiên kịch có... rap. Bà còn nhớ vở diễn này được ghi hình, phát trên VTV nhiều lần.

Nghệ sĩ Minh Châu bên một tác phẩm của bà tại xưởng vẽ đầy cây xanh - Ảnh: T.ĐIỂU

Đến với hội họa

Nhưng cuộc đời Minh Châu lại bất ngờ rẽ sang hướng khác từ chính vở kịch hát này. Những ngày làm kịch, bà và ê kíp phải tự vẽ thiết kế may trang phục cho những công chúa rừng xanh, ma vương, cây cối, chim chóc, ong bướm, muông thú...

Ngắm nhìn khu rừng lung linh trên sân khấu do mình và đồng nghiệp tâm huyết tạo ra, Minh Châu bỗng mê... vẽ. Bà xin vào lớp dạy vẽ do họa sĩ Thẩm Đức Tụ hướng dẫn tại Cung Việt Xô. Kể từ đây, niềm đam mê vẽ "dính" chặt lấy người đàn bà xinh đẹp, đa tài.

Không chuyên nghiệp, Minh Châu học từ bạn bè, tiền bối. Tính cách giản dị, phóng khoáng, nhân hậu và hào sảng, bà kết thân với nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới họa sĩ.

Nhiều năm bà có mối gắn bó thân tình với họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm, thường ngồi xem ông vẽ hàng giờ mỗi ngày để học hỏi.

Bà thậm chí còn vẽ chung với Hoàng Hồng Cẩm một số bức tranh.

Minh Châu rất chuyên chú với việc vẽ tranh của mình trong suốt 20 năm qua, đặc biệt là gần chục năm nay, khi bà không còn phải bận rộn lo kinh tế gia đình như trước.

Bà thích vẽ hoa, chân dung bạn bè nhưng vẽ trừu tượng mới là phong cách bà theo đuổi bền bỉ.

Với bà, tính khúc chiết của hội họa trừu tượng cho bà được bung tỏa cảm xúc nhiều nhất. Đó cũng là những bức tranh thể hiện được thế mạnh lớn của bà, bảng màu đẹp, nhiều nội tâm.

Minh Châu bảo cả đời bà chỉ muốn nâng niu cuộc đời, từ cái cây, tình bạn, tình yêu. Và bà cũng nhận được rất nhiều từ cuộc đời: một gia đình hạnh phúc, hai con Quốc Hoa, Quốc Hương hiếu nghĩa, nhân hậu và giỏi giang. Và rất nhiều tình yêu thương khác xung quanh.

Đã có vài triển lãm cá nhân ở Hà Nội và TP.HCM, năm tới Minh Châu dự định sẽ triển lãm cá nhân nữa.

Trong triển lãm ấy sẽ không chỉ có tranh mà còn có một tác phẩm là ngôi nhà bằng len, kết từ những bông hoa do bà tự tay đan, móc, gọi là Nhà nở hoa, ngôi nhà của búp bê.

Người phụ nữ ngoài 60 tuổi này đúng là chưa bao giờ hết làm người khác ngạc nhiên. Ở tuổi lên chức bà, Minh Châu càng muốn trở về với những mềm mại, dịu dàng như giấc mơ hoa của những cô gái bé nhỏ.

Tác giả: THIÊN ĐIỂU

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP