Giáo dục

Có ai dám phạt học trò nữa không?

Mấy hôm nay chúng tôi thấy thật buồn cho một đồng nghiệp vì lỡ đánh vài roi vào mông học trò, rồi bị phụ huynh thưa kiện lên tới Phòng Giáo dục. Hết viết tường trình đến kiểm điểm, họp lên họp xuống cả tháng trời cuối cùng cô ngỡ ngàng khi phải nhận quyết định “kỉ luật cảnh cáo và ngừng chủ nhiệm lớp”.

Vốn là một giáo viên tâm huyết với nghề, cô bạn tôi được học sinh đặc biệt yêu quý. Năm nào nhà trường cũng tin tưởng giao cho cô chủ nhiệm lớp "mũi nhọn". Vì vậy, lớp cô chủ nhiệm bao giờ cũng là chi đội mạnh của trường. Học sinh của cô đa số là chăm ngoan, học giỏi.

Thực ra việc giáo viên phạt học sinh một, hai roi khi các em hư không phải là chuyện hiếm. Ngay cả những buổi họp cha mẹ học sinh, một số phụ huynh cũng đồng tình với việc này. Lúc đầu cô chỉ tính đánh một, hai em hư mang tính chất răn đe. Cô muốn nề nếp đi vào ổn định. Việc cô đánh công khai trong lớp học ai cũng biết. Nó chỉ trở lên nghiêm trọng khi học sinh vốn là con cưng trong gia đình. Phụ huynh nghe con thuật lại không cần hỏi rõ đầu đuôi đã soạn đơn mang thẳng lên Phòng Giáo dục thưa gửi. Mặc dù khi xảy ra chuyện, đồng nghiệp cũng như học trò viết đơn tha thiết gửi các cấp lãnh đạo. Nhưng họp lên họp xuống phụ huynh vẫn không đồng ý bỏ qua. Cuối cùng là cô phải chuyển trường khác dạy.

Khi nhận quyết định trên, cô giáo bàng hoàng và cảm thấy mất phương hướng. Cô tuyệt vọng vì không tin mọi thứ lại diễn ra như vậy. Trước giờ cô luôn hết lòng vì học sinh (điều này học trò là người rõ nhất). Cô luôn dạy các em chăm ngoan học giỏi để cha mẹ vui lòng. Sự việc lúc đầu tưởng nhỏ, ai dè thành lớn chuyện. Gần hai mươi năm đứng trên bục giảng, cô đã dạy dỗ bao thế hệ học trò. Các em luôn coi cô như người mẹ thứ hai của mình. Ngày cô nhận quyết định, học trò khóc như mưa vì thương cô và không muốn xa cô, các em vẫn tha thiết mong được cô chủ nhiệm lớp mình.

Có lẽ vì tâm huyết với nghề quá mà cô bạn tôi khóc không ngừng vì có ngày này. Cô bảo có lẽ mình phải bỏ nghề thôi. Gần hai mươi năm cống hiến nhưng cuối cùng các cấp lãnh đạo có hiểu cho mình? Giá như họ chịu xuống thực tế để điều tra mình có phải là giáo viên tệ bạc với học trò. Công sức bao năm của mình cống hiến bị trôi sông, trôi biển. Cái đau đớn nhất của cô bạn tôi là xuất phát từ sự nhiệt tình, hết lòng vì học sinh thân yêu. Có lẽ càng quan tâm thì phụ huynh càng cho là trù ghét con họ. Tuyệt vọng và chán nản, cô chỉ biết khóc trong nỗi buồn.

Từ câu chuyện này mà các giáo viên khác giật mình cho chính bản thân mình. Có lẽ ai nhiệt tình quá cũng không tốt. Làm giáo viên chủ nhiệm thật khổ trăm đường. Nếu học trò ngoan thì còn đỡ, bằng không sẽ bị giáo viên bộ môn mắng vốn. Do đó mà rất nhiều thầy cô tỏ ra sợ hãi khi được phân công làm chủ nhiệm.

Nhiều phụ huynh bây giờ cưng con quá mức, đụng chuyện gì họ cũng vào trường đòi thưa gởi, đòi chuyển giáo viên chủ nhiệm. Tâm lí yêu con của người Việt mình đôi lúc cũng kì. Họ có thể đánh con họ như "kẻ thù". Nhưng ai đụng đến con họ xem, họ kiện tới cùng. Mà chủ trương của ngành là không được đánh học sinh. Cuối cùng người khổ nhất vẫn là các giáo viên chủ nhiệm.

Nhiều thầy cô bây giờ cảm thấy buồn cho nghề giáo. Suy cho cùng thì thầy cô khó khăn một chút cũng vì mong các trò tiến bộ. Tôi không đồng tình về việc thầy cô đánh học trò. Nhưng nếu học trò quá hư thì việc đánh một, hai roi vào mông cũng không phải là chuyện gì quá ghê gớm. Nhiều giáo viên tỏ ra xót xa lo ngại khi thấy thế hệ hệ trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường bao bọc như vậy.

Cũng từ câu chuyện này mà nhiều thầy cô bắt đầu có tư tưởng an phận. Con người ta chứ có phải con mình đâu mà lo. Mình rèn kĩ quá thì cuối cùng người thiệt thòi vẫn là mình. Khi xảy ra chuyện thì giáo viên là người “đơn thương độc mã”. Mà nếu chán nản mà bỏ nghề thì gia đình sẽ thiệt thòi.

Chúng tôi tự hỏi nhau, rồi đây, ai dám phạt học trò nữa không?

Tác giả: Loát Trần

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP