Kinh tế

Chuyển tiền sang Việt Nam: Mưu tính khó lường của tỷ phú Thái

Các tỷ phú Thái dồn dập đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam, dồn dập thâu tóm, mua cổ phiếu Việt với giá rất cao, âm mưu tính chuyện lâu dài. Tuy nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ với các đại gia này.

Không ngừng mua cổ phiếu Việt

Các nhà đầu tư Thái Lan vẫn đang âm thầm mua cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu các ngành của Việt Nam, như không hề quan tâm tới biến động tăng giảm trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Khoảng 5 năm trước đây, chủ tịch một tập đoàn công nghiệp có lịch sử hoạt động trên 100 năm của Thái Lan - SCG - tuyên bố sẽ chi 5-6 tỷ USD cho hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đến năm 2020. Theo ông Kan Trakulhoon, chủ tịch SCG khi đó, M&A không phải là thâu tóm, mà là một hoạt động kinh doanh bình thường và có văn hóa riêng. Doanh nghiệp phải luôn hoạt động minh bạch, có trách nhiệm.

Tới nay, SCG đã rót hàng tỷ USD vào Việt Nam, với những thương vụ như mua 85% cổ phần gạch men Prime năm 2013, mua cổ phần của nhiều doanh nghiệp nhựa tại Việt Nam, cổ phần dự án lọc hóa dầu Long Sơn ở Việt Nam.

Kể từ tháng 4/2018 tới đầu tháng 7/2018, TTCK Việt Nam liên tục điều chỉnh, với mức giảm bình quân lên tới 25%, nhiều cổ phiếu giảm tới 50%. Đây được xem là cơ hội để nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tập trung mua vào một số cổ phiếu đầu ngành, vốn nằm trong tầm ngắm của họ trong nhiều năm qua.

Nhóm các tỷ phú Thái tiếp tục gây ấn tượng với hàng loạt thương vụ mua cổ phần một cách bền bỉ.

Thông tin từ CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) giữa tháng 7/2018 cho thấy, đại gia Thái Lan The Nawaplastic Industries (Saraburi) - thuộc Tập đoàn SCG - đã chi khoảng 70 tỷ đồng để mua gom gần 1,2 triệu cổ phiếu BMP trong khoảng thời gian từ 22/6 đến ngày 5/7/2018 (với mức giá khoảng 60.000 đồng/cp), qua đó, nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên hơn 44,52 triệu cổ phiếu, chiếm 54,39% vốn điều lệ.

Trước đó, hồi cuối tháng 6/2018, SCG cũng ký thỏa thuận chi hơn 90 triệu USD mua nốt 29% cổ phần còn lại để chính thức sở hữu 100% dự án hóa dầu Long Sơn của Việt Nam. Dự án 5,4 tỷ USD có thể đi vào hoạt động thương mại từ đầu năm 2023 với công suất sản phẩm olefin đạt 1,6 triệu tấn/năm.

Hai đại gia Thái khác cũng không ngừng chi tiền tấn để mua cổ phần của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là: Tập đoàn TCC Holdings của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi và Central Group của gia tộc Chirathivat.

Trong vài năm qua, F&N Dairy Investment thuộc tập đoàn đồ uống Singapore F&N do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (TCC Holdings) nắm quyền kiểm soát đã có hàng chục lần đăng ký và mua cổ phần Vinamilk (VNM).

Mặt trái của tỷ phú Thái

F&N Dairy Investment của tỷ phú Thái Lan Charoen vừa chi thêm tiền cho cuộc đua tăng tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk, nâng tổng số cổ phần nắm giữ lên hơn 251 triệu đơn vị, 17,31% vốn điều lệ. F&N cũng vừa đăng ký mua thêm 14,5 triệu cổ phiếu VNM nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,3%.

Cuối năm ngoái, tỷ phú Thái Charoen cũng đã thực hiện một thương vụ chưa từng có tại Việt Nam: chi 5 tỷ USD để thâu tóm Sabeco , thương hiệu bia có thị phần số 1 Việt Nam, sau khi đã thực hiện 1 loạt vụ M&A DN tại Việt Nam như: Metro, Phú Thái, khách sạn Melia,...

Central Group của gia tộc Chirathivat cũng không hề kém cạnh khi trong cuộc đua nắm giữ hàng loạt doanh nghiệp lớn nhất nhì trong nhiều lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam.

Central Group chính là doanh nghiệp chi 1 tỷ USD thâu tóm hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng như mua lại chuỗi điện máy Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi hay trang thương mại điện tử Lazora.

Trong chiến lược của mình, các đại gia Thái đều cho rằng, muốn chuyển vốn sang Việt Nam tính đường làm ăn lâu dài, coi Việt Nam là một thị trường chiến lược trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế không phải hành động nào cũng như vậy và mọi điều không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Siêu thị điện máy Nguyễn Kim gần đây dính sai phạm về thuế, vừa bị Cục thuế TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính, truy thu gần 150 tỷ đồng vì đã lách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để trốn thuế.

Việc Nguyễn Kim bị mất vị thế đầu ngành và vụ bị truy thu thuế khủng cho thấy, cuộc đua của các đại gia Thái nói chung và Central Group không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Sabeco sau khi về tay tỷ phú Thái Charoen cũng gặp nhiều khó khăn khi cổ phiếu tụt giảm mạnh, từ mức 320 ngàn đồng về còn 220 ngàn đồng/cp như hiện tại. Doanh nghiệp bia hàng đầu Việt Nam cũng vừa đặt mục tiêu giảm lãi gần 1.000 tỷ đồng, xuống còn 4.000 tỷ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm 2017 do áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các hãng bia và giá cả nguyên vật liệu chính sản xuất bia tăng mạnh.

Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam sau khi về tay Central Group của Thái cũng gặp khá nhiều khó do sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trong và nước khác như AEON của Nhật, Vinmart của Vingroup,...

Gần đây, một số người lo ngại, những khoản tiền mà đại gia ngoại vay nợ để mua cổ phần DN Việt có thể bị đẩy sang bảng cân đối của DN Việt. Nhưng đây là điều không dễ, bởi phía Việt Nam vẫn nắm tỷ lệ sở hữu khá lớn, đủ để phủ quyết như trên 35% vốn Nhà nước (SCIC) tại Sabeco . Tại Vinamilk, Nhà nước cũng nắm trên 36% và chưa có kế hoạch thoái vốn.

Việc thoái vốn bán cho các NĐT nước ngoài, trong đó có Thái Lan, với những tập đoàn hoạt động minh bạch, có trách nhiệm như chủ tịch SCG từng nói vẫn là rất cần thiết. Đó là chính hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tác giả: M. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP