Ông Phụng đi tìm kiếm và đưa hàng chục ngàn hài nhi về chôn cất. Ảnh: Đức Huy |
Ngôi nhà chung của hàng chục ngàn thai nhi
Nằm giữa nghĩa trang TP Pleiku (Gia Lai) là một ngôi nhà nguyện nhỏ với dòng chữ:“Xin đừng vất bỏ, vùi lấp chúng con. Hãy cho chúng con có nơi yên nghỉ. Xin đặt chúng con nơi đây để cô chú biết giúp đỡ chúng con”. Những dòng chữ nằm đó, lạnh ngắt, cô quạnh như những hài nhi nơi đây bị tước đi mạng sống khi chưa được chào đời.
Mặc dù vắng lặng nhưng hàng ngày vẫn có bóng hình ông Nguyễn Phước Phụng (48 tuổi, ở TP Pleiku) đến đây để chôn cất, dọn dẹp cho các cháu có một "mái ấm". Theo ông Phụng trung bình mỗi ngày ông đưa về nghĩa trang từ 3 đến 5 cháu, ngày nhiều có khi lên đến 20 cháu, có những cháu đã thành hình hài khiến ông không khỏi chạnh lòng.
Ông Phụng kể, trước đây ông là người làm vườn nhưng vì cuộc sống khó khăn nên ông về nghĩa trang Pleiku làm thuê. Ai thuê gì làm nấy, mọi việc từ làm cỏ đến xây mộ ông đều từng làm qua. Cũng chính tại nơi đây, ông đã bắt gặp những thai nhi bị vứt bỏ. Từ đó, mỗi lần đi làm, ông đều chú ý thật kỹ xem có thai nhi nào bị bỏ rơi, rồi mang về chôn cất tại khu nghĩa trang này. Tiền công đi làm thuê vừa phải trang trải nuôi cả gia đình, phần ít ông dành để lo hòm quách chôn cất những đứa trẻ xấu số.
Những lúc không có tiền, ông đành chôn cất thai nhi trong bát nhang hoặc trong các chậu hoa, hộp gỗ… rồi chính tay ông xây cho các bé những ngôi mộ nhỏ, trên bia đề hai chữ “Vô danh”. Từ đó, mỗi ngày số lượng thai nhi được ông đưa về nghĩa trang dần tăng lên, tính đến nay đã có khoảng 22.000 thai nhi.
Lấy từ trong túi ra một chiếc ví đã bạc màu, ông cho biết đây là “vật bất ly thân” ông luôn mang theo người. Chiếc ví là nơi lưu giữ những tấm hình của các hài nhi xấu số ông đã từng bế trên tay, có bé còn chưa thành hình. Bên trong ví còn một cuốn sổ nhỏ ông dùng để ghi ngày tháng năm đưa các bé về nghĩa trang, địa điểm và ngày giờ tìm thấy các bé. “Có những trường hợp sau vài năm bỏ con đã đến hỏi tôi tìm lại vị trí chôn cất của cháu. Vẫn biết rằng họ lầm lỡ, sai trái, nhưng nếu có thể tôi vẫn muốn giúp họ tìm lại ngôi mộ của con để các bé được an ủi phần nào…”, ông Phụng nghẹn lòng.
“Chúng con tha thứ cho cha mẹ”
Cụ Tâm là người đồng hành cùng ông Phụng chôn cất, chăm sóc những nấm mồ nơi đây. |
Không chỉ đi tìm kiếm và đưa thai nhi về chôn cất, ông Phụng còn làm điều mà nhiều người cho là "quái gở", đó là nhận nuôi các cô gái có ý định phá thai đến ngày họ sinh nở. Tính đến nay, đã có hơn chục cháu bé đã được cứu sống từ trong bụng mẹ. Đến khi các cháu sinh ra, ông gửi tại các chùa hoặc giúp đỡ để những bà mẹ có mong muốn nuôi con đưa các cháu về chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Phụng tâm sự: “Có người nghĩ tôi gàn dở, vì chỉ có người gàn dở mới đi làm công việc không công này. Nhưng khi thấy các cháu bị bỏ rơi, tôi đau lòng lắm, nên không thể nhắm mắt làm ngơ. Việc nhận nuôi các thai phụ cũng gặp rất nhiều bi hài. Khổ nhất là bị người ta đàm tiếu, có người ác miệng nói với vợ tôi phải nên xem lại tư cách đạo đức của chồng, có thể đó là con rơi nên mới giang tay ra nuôi dưỡng”.
Đồng hành cùng với ông Phụng là cụ Lê Thị Tâm (81 tuổi, ở TP Pleiku). Bao năm nay, cụ Tâm đã xem “ngôi nhà chung” tại nghĩa trang Đồng Nhi như ngôi nhà thứ hai của mình. Hàng ngày, cụ quản lý việc chăm sóc mồ mả, hương khói cho các cháu. Sáng nào cũng vậy, không kể trời mưa hay nắng, cụ Tâm vẫn dậy thật sớm đi bộ đến khu thờ chung của các hài nhi để dọn dẹp thật sạch sẽ và đón khách đến thắp nén hương cho các cháu. Buổi tối khi không còn người ra vào, cụ Tâm mới dọn dẹp lại lần cuối, thắp cho các bé nén nhang vòng rồi lại rảo bước ra về.
Xuất phát từ tình thương dành cho các sinh linh bé nhỏ, cụ Tâm đã tự nguyện góp công góp sức của mình cùng với ông Phụng để chăm nom những ngôi mộ của hài nhi. Rồi từ đó đến nay, những câu chuyện éo le, ngang trái xoay xung quanh các hài nhi xấu số vẫn được cụ Tâm chứng kiến và kể lại cho lớp trẻ để khuyên răn ngăn chặn kịp thời những trường hợp đáng tiếc.
Trên trang thờ chung, đằng sau lư hương nghi ngút khói là dòng chữ “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” khiến những ai đến thăm không khỏi chạnh lòng. Dòng chữ do những người lập nên nghĩa trang đề lên với mong muốn các em được yên lòng khi về với thế giới bên kia, không trách móc những bậc cha mẹ đã vô tâm bỏ rơi mình.
Người ở lại có thể nhìn vào đó mà phần nào dịu bớt nỗi day dứt về những lỗi lầm mình đã gây ra. Những ngôi mộ nhỏ bé phần lớn mang tên “Vô Danh” và đề tên các nhà hảo tâm đã xây lên ngôi mộ, hoặc hy hữu có những cái tên: Trung Thu, Noel, Giáng Sinh… Mặc dù đây là những dịp lễ để gia đình quây quần bên nhau, nhưng số phận đã không cho các cháu có quyền ấy. Ngày đó là ngày các cháu phải rời xa gia đình, chia lìa cuộc sống để đến với đất mẹ khi chưa kịp chào đời.
Nén nước mắt vào bên trong, ông Phụng đưa ánh mắt về phía xa cho hay, ông chỉ ước sẽ có một ngày ông được “thất nghiệp”. Ngày đó sẽ chẳng có hài nhi vô tội nào bị cha mẹ bỏ rơi, những đứa trẻ đó sẽ được cất tiếng khóc chào đời, được yêu thương như bao đứa trẻ khác...
Bà Huỳnh Thị Thạnh (47 tuổi, vợ ông Phụng) chia sẻ: “Chồng tôi làm được việc tốt đương nhiên tôi cũng nhất trí ủng hộ. Chỉ cần nghĩ đến việc những sinh linh vô tội có nơi an nghỉ, không còn phải bơ vơ, vất vưởng nơi trần gian là tôi đã thấy ấm lòng”. |
Tác giả: Đức Huy
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội