Đây là nội dung được lưu ý trong Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày trước Quốc hội sáng 31-5.
Theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (dự thảo Luật). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Đến ngày 11-5-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 52/63 ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Trong đó, một số ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em hiện nay, Dự thảo cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa; đồng thời, đề nghị tăng tiết học môn giáo dục thể chất. Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng, không nên quy định bơi là môn học bắt buộc, việc tăng hay giảm số tiết học môn giáo dục thể chất cần được nghiên cứu một cách tổng thể, có tính đến khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Theo UBTVQH, việc quy định bơi là môn học bắt buộc cần tính đến ó tính đến khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo chương trình giáo dục, môn giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa của mọi cấp học (giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học). Việc tăng hoặc giảm thời lượng môn giáo dục thể chất cần được xem xét trong tổng thể việc điều chỉnh chương trình giáo dục của các cấp học, bảo đảm sự phát triển toàn diện của học sinh, sinh viên và tính khả thi trong thực tiễn.
Đáng chú ý, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở phần lớn các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi (chỉ có 0,4-0,6% số trường phổ thông và 13% số trường đại học có bể bơi). Nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực đối với nhà trường, phụ huynh và bản thân học sinh, sinh viên, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức, không hiệu quả.
Mặt khác, hiện nay, để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 05/2/2016 phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông.
Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của điều luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội chỉnh lý Dự thảo theo hướng quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi (khoản 1 Điều 21, khoản 6 Điều 22). “Việc chỉnh lý này không những phát huy vai trò của Nhà nước, huy động nguồn lực của toàn xã hội đối với việc phát triển môn bơi mà còn nâng cao trách nhiệm của nhà trường, từng bước hạn chế tai nạn đuối nước” – Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nói.
Tác giả: Nguyên An
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội