Trong nước

Chưa phát hiện vụ việc dấu hiệu tham nhũng cần thanh tra đột xuất

Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ xác nhận, công tác phân tích, trao đổi thông tin về phòng chống tham nhũng với các cơ quan, đơn vị liên quan đôi khi còn bị động, chưa kịp thời. Việc nắm tình hình tham nhũng còn thiếu thông tin, thanh tra chưa đề xuất được những cuộc thanh tra đột xuất đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với Cục Chống tham nhũng ngày 18/5 (Ảnh: TTCP).

Tại buổi làm việc với Tổng Thanh tra Chính phủ ngày 18/5, lãnh đạo Cục Chống tham nhũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác phân tích, trao đổi thông tin về phòng chống tham nhũng với các cơ quan, đơn vị liên quan đôi khi còn bị động, chưa kịp thời. Việc nắm tình hình tham nhũng còn bị động, thiếu thông tin. Công tác xử lý đơn thư tố cáo tham nhũng chưa chuyên sâu. Đơn vị cũng chưa đề xuất được các cuộc thanh tra đột xuất đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Trong khi đó, công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên. Một số công việc chuyên môn triển khai trậm so với kế hoạch.

Cục chống tham nhũng kiến nghị Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ quan tâm bố trí đủ cán bộ theo biên chế được giao; xem xét kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cấp phòng và quan tâm hơn nữa tới công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Giao cho Cục này nghiên cứu, đề xuất thanh tra theo chuyên đề, diện rộng đối với việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng để thúc đẩy việc thực hiện, nhất là sau khi luật sửa đổi có hiệu lực thi hành.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, nhiệm vụ chính trị chuyên môn của Cục Chống tham nhũng gắn liền với công tác phòng chống tham nhũng mà Đảng, Chính phủ đang triển khai, chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Trong chức năng, nhiệm vụ Chính phủ giao có rất nhiều công việc đột xuất, biên chế thiếu, lại cùng lúc phải giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, khó khăn nên nhiều nhiệm vụ bị chậm.

Ông Khái yêu cầu Cục Chống tham nhũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và là đơn vị thi đua điển hình của ngành Thanh tra.

Trong thời gian tới, Cục cần nêu những đề xuất, kiến nghị có tính đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng để thực hiện đạt hiệu quả; chuẩn bị ý kiến trả lời đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác này.

Bên cạnh đó, quy trình, quy định xử lý thông tin phản ánh về phòng chống tham nhũng cũng cần được quan tâm chú ý. Việc nắm tình hình tham nhũng, thanh tra, kiểm tra cần tính toán hợp lý, có kế hoạch chi tiết cụ thể để thực hiện đạt hiệu quả. Việc triển khai tổ chức các cuộc thanh phải có sự tiếp cận, xác định rõ nhiệm vụ để có ý kiến mang tính thuyết phục.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP