Pháp luật

Chủ nhà chém trọng thương trộm: Truy tố tội nào cho hợp lý?

Dư luận đang băn khoăn trước việc chủ nhà chém trọng thương tên trộm bị cơ quan điều tra truy tố về tội “Giết người”. Các luật sư đã đưa ra những phân tích, nhận định về vụ án này.

Như tin đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Minh Phương (SN 1967, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) về tội “Giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Tên trộm bị chủ nhà chém trọng thương.

Theo điều tra ban đầu, rạng sáng 23/11, phát hiện một bóng đen lẻn vào nhà trộm cắp tài sản (sau này được xác định là Nguyễn Đăng Tùng, SN 2002, cùng trú tại phường Tây Tựu), Lê Minh Phương đã dùng kiếm chém loạn xạ, khiến nạn nhân bị thương nặng. Kết quả giám định pháp y xác định, tỷ lệ tổn hại sức khỏe tạm thời là 61%.

Đánh giá về vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách gia luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, khi xem xét hành vi phạm tội của Lê Minh Phương, cơ quan tố tụng cần thiết đánh giá nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, lỗi của bị hại trong vụ án này để xử lý tương ứng với hành vi gây thương tích cho nạn nhân theo quy định của các nhóm tội liên quan đến tính mạng, sức khỏe tại Chương XII BLHS.

Lê Minh Phương bị truy tố về tội Giết người.

“Về mặt khách quan của tội phạm, hành vi dùng hung khí tác động vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác đã có dấu hiệu phạm tội giết người theo Điều 93 BLHS. Trường hợp nạn nhân không chết, người gây án vẫn phải chịu trách nhiệm phạm tội chưa đạt theo Điều 18 BLHS.” - luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích.

Phân tích sâu về vụ án trên, luật sư Tuấn dẫn giải một số quy định của pháp luật như Hiến pháp 2013 quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và bảo vệ quyền sở hữu của công dân (Điều 22 và Điều 32). Đặc biệt, Giải đáp số 02 của Chánh án TAND Tối cao năm 2017 có hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với Nghị quyết số 04/1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Từ đó, luật sư Tuấn cho rằng, Lê Minh Phương thực hiện hành vi phạm tội trong hoàn cảnh bị hại đã có lỗi - thực hiện hành vi trộm cắp tài sản vào buổi đêm.

Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách gia luật và Liên danh.

“Hành vi đột nhập vào tiệm tạp hóa lúc nửa đêm của nạn nhân đã gây sự bức xúc, dẫn đến việc Phương không kiềm chế được bản thân do bị kích động tâm lý nên đã sử dụng hung khí chém nạn nhân gây thương tích. Việc chém này nhằm ngăn chặn hành vi đột nhập, xâm phạm chỗ ở và tài sản. Hành vi của Phương có dấu hiệu phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, quy định tại Điều 95 BLHS.” - Trưởng Văn phòng luật sư Bách gia luật và Liên danh nhận định.

Về cơ sở pháp lý để truy tố Lê Minh Phương theo Điều 95 BLHS, luật sư Tuấn nhìn nhận, Lê Minh Phương thực hiện hành vi giết người do bị kích động mạnh về tinh thần, được hiểu là khi không còn nhận thức được đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nghĩa là mất khả năng nhận thức tạm thời, mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình.

“Bị hại đã có hành vi trái pháp luật như xâm phạm chỗ ở của nghi phạm và thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Hành vi trái pháp luật của bị hại là nguyên nhân Phương bị kích động mạnh về tinh thần. Hành vi trái pháp luật của nạn nhân và tinh thần bị kích động mạnh của Lê Minh Phương có quan hệ nhân quả, tất yếu. Có hành vi trái pháp luật của bị hại mới có việc Lê Minh Phương chém gây thương tích cho bị hại.” - luật sư Tuấn phân tích.

Luật sư Đặng Xuân Cường.

Đồng quan điểm với luật sư Tạ Anh Tuấn, luật sư Đặng Xuân Cường - Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - cho rằng, việc định tội danh trong trường hợp này không phải là đơn giản. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần hết sức thận trọng, tránh xảy ra oan sai.

Tác giả: Tiến Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP