Đại biểu Dương Trung Quốc: "Người dân có quyền lo lắng, người làm sử như tôi càng có cơ sở để lo lắng". |
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội liên quan đến dự thảo về đặc khu, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: "Tôi nói về câu chuyện chúng ta phải học, học bài học lịch sử, không phải xa xôi đâu, mới đâu này. Câu chuyện Formosa, ông Bí thư bị kỉ luật vì vượt quyền cấp phép 70 năm. Chúng ta xử lý được môi trường, cán bộ rồi nhưng cái 70 năm có xử được đâu".
"Tôi thấy cái lạ là có đại biểu nói thử nghiệm. Nhưng sao thử nghiệm chuyện này được? Có những thứ thử nghiệm được nhưng vấn đề chủ quyền không xử lý được như tôi đã nói ở trên. Tôi tán thành với Thủ tướng trước phát biểu vấn đề đặc khu không phải 99 năm vậy việc gì chúng ta đưa 99 năm? Cái 99 năm dễ đánh vào tâm thức mọi người bởi nó là cái gì lâu dài, vĩnh cửu", ông nhấn mạnh.
Vị đại biểu cho rằng, nếu một doanh nghiệp tốt, lành mạnh, muốn gắn bó và mang lại cái có lợi cho cả hai bên thì chúng ta kéo dài 1.000 năm cũng được. Còn việc đưa ra quy định cho thuê đất 99 năm chẳng khác gì sự cầm cố. Chưa kể, với doanh nghiệp công nghệ cao, họ cần gì đến sử dụng đất lâu dài vì họ phải thay đổi, chuyển biến liên tục. Trong khi bất động sản cũng nên ủng hộ nhưng phải có giới hạn.
"Sự lo lắng của người dân là có cơ sở, người làm sử như tôi càng có cơ sở lo lắng. Ta thấy Vân Đồn là cửa ngõ biển Đông, giờ đặt lại vấn đề lịch sử, những trận chiến quan trọng nhất đánh giặc Nguyên Mông là ở Vân Đồn, chúng ta sao không nghĩ việc này", ông đặt câu hỏi.
Một lần nữa khẳng định đặc khu là cần thiết, thậm chí ta làm hơi chậm nhưng ông Quốc cũng cho rằng, khi đưa ra mô hình phải phù hợp với xu hướng thời đại, đặc trưng riêng của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi phù hợp thế nào, vị đại biểu Quốc hội cho rằng: "Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói thiên hạ cũng cho thuê 99 năm nhưng họ ở tít ngoài đại dương, còn chúng ta ở đâu? Chúng ta ở ngay cửa ngõ biển Đông. Như vậy, chúng ta phải nhìn địa chính trị quan trọng nhất trong thời đại bây giờ đó là phát triển gắn liền với ổn định chủ quyền".
"Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định không ai phát hiện được hiện tượng việc mua bán đất ở nước ngoài. Đúng là không ai đăng ký mua đất được nhưng có những người Việt Nam sẵn sàng vì lợi ích nhỏ, đứng ra mua đất cho người nước ngoài. Đó là chưa kể chúng ta cho thuê đất với ưu đãi lớn, thời hạn dài, chúng ta có được can thiệp vào chủ quyền không. Tôi thấy không ít khu công nghiệp đã giao đất cho người nước ngoài mà rất khó bước vào không gian của họ, họ có luật lệ của họ và mình cũng phải tôn trọng", ông nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đặt vấn đề, khi nói có rào cản rất lớn về pháp lý, để được 99 năm không dễ, thế có phải đôi khi chúng ta lại tạo ra "cái bánh vẽ". "Đưa ra 99 năm chả ai xin được thì đưa ra làm gì? Người ta cần cơ chế để có thể tin cậy, đôi khi người ta nói tin cậy ngay cả tín chấp. Phải cho người ta thấy đây là mảnh đất thuận lợi kinh doanh chứ đừng nói là đến đây để ăn đời ở kiếp".
"Điều tôi lo lắng là Chính phủ nói kiểm soát được vấn đề đất khu vực đặc khu nhưng bây giờ các mảnh đất Vân Đồn, Phú Quốc có chủ rồi. Như vậy nhà đầu tư mới phải mặc cả với ông bất động sản, đó là rào cản lớn nhất chứ không phải 99 năm, 70 năm", ông nói.
Cuối cùng, ông Quốc cho rằng, đối với đặc khu kinh tế, nếu làm cần làm từng cái một, đã chậm rồi thì chậm nhưng chắc. Trong đó phải ưu tiên đến chủ quyền quốc gia.
"Chúng ta có nhiều lợi thế mà không phát huy nên tôi cho rằng chúng ta làm thật kỹ, không làm ào ạt", ông nói.
Trước đó, chiều 6/6, tại phiên chất vấn đối với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn: Xin Phó Thủ tướng cho biết khái quát, nếu triển khai thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì kinh tế xã hội của các địa phương đó sẽ phát triển như thế nào, đóng góp như thế nào cho kinh tế Việt Nam? Phó Thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa phát triển kinh tế ở 3 đặc khu đó với sự ổn định về an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trên thế giới việc ra đời thành lập các đặc khu để tạo ra nơi thử nghiệm thể chế, tạo ra sự tăng trưởng, cái đó là nguyên tắc chung. "Dự Luật hiện nay Quốc hội đang thảo luận, chúng ta tính toán tổng thể cả về lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, quan hệ kinh tế với quốc phòng...", Phó Thủ tướng nói.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí