Du lịch

Cho phép tiếp tục chọi trâu Đồ Sơn với nhiều điều kiện đi kèm

Kết luận tọa đàm khoa học giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sáng 7/9, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL nói rằng đồng ý tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào 9/8 âm lịch sắp tới, tuy nhiên kèm theo nhiều điều kiện cụ thể.

Bộ VHTTDL ghi nhận ý kiến các nhà khoa học, tiếp tục cho tổ chức chọi trâu

Không có quyền cấm?

Tai nạn đáng tiếc của chủ trâu số 18 trong vòng đấu loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua khiến dư luận có ý kiến nên dừng tổ chức, thậm chí đưa chọi trâu ra khỏi danh sách văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa lại có quan điểm trái ngược. GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh cho rằng không thể cấm, bởi chọi trâu mang tính chất văn hóa. Tuy nhiên, GS. Thanh lưu ý cần khắc phục hạn chế của chọi trâu thời gian qua, nhất là công tác tổ chức.

GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng nếu cấm chọi trâu, phải kỷ luật người ký công nhận di sản trước hết. Ông nêu quan điểm chọi trâu Đồ Sơn là của người dân, cộng đồng ở đó và không có cơ quan quản lý nào có quyền ngăn cấm. GS. Giang nêu ví dụ, nhiều nước trên thế giới tạo ra các cuộc đấu, xem để giải tỏa, Olympic cũng mang ý nghĩa như vậy.

“Tôi từng sang nước Nhật và thất kinh bởi được chứng kiến một khu vực rộng có cảnh sát đứng canh ngoài hàng rào, phía trong đó có những người đang đập phá, đánh nhau vỡ đầu. Những người trong đám hỗn loạn đó phải mua vé vào đánh nhau. Nhật Bản tổ chức cho đánh nhau, cho đập phá để giải tỏa… đó là tự nguyện”, ông nói.

Áp dụng công nghệ tổ chức

Nhiều nhà nghiên cứu đồng tình giữ lại chọi trâu Đồ Sơn, tuy nhiên đều nhấn mạnh cần siết chặt quản lý nhà nước, nhất là ứng xử với cơ chế thị trường và tính thương mại đi kèm. GS. Nguyễn Chí Bền cho rằng dứt khoát phải thay đổi cách tổ chức, phải có đề án mới để giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong lễ hội.

TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, cấm chọi trâu là sai lầm. Điều cần làm theo ông Sơn là khai thác chọi trâu như sản phẩm du lịch. Ông nêu giải pháp cần có sơ đồ tổ chức cụ thể.

PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng cần chấp nhận tính thương mại của lễ hội, tuy nhiên cần ứng xử với nó cho tốt. Muốn làm vậy những người tổ chức cần xác định lại các yếu tố từ giá trị văn hóa, đối tượng mua vé cho tới quy trình tổ chức. Đại diện thanh tra Bộ, Phó Chánh thanh tra Phạm Xuân Phúc đề xuất không bán vé vào sân vận động xem chọi trâu.

Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn phân trần rằng nhận ra sai sót trong quy trình tổ chức vừa qua, tuy nhiên người dân đều tha thiết được giữ lại lễ hội chọi trâu. Thậm chí ông còn quá lời rằng “các cháu thiếu nhi ôm mặt khóc khi nghe tin dừng chọi trâu”. Trước đó, GS. Tô Ngọc Thanh nói một bà cụ bán rau cũng viết thư đề nghị không bỏ chọi trâu. Các nhà khoa học như GS. Vũ Minh Giang, PGS.TS. Trần Lâm Biền đều lưu ý không nên để ý kiến quan phương tác động tới việc giữ, bỏ lễ hội chọi trâu, bởi đây là giá trị cộng đồng.

Ghi nhận ý kiến đóng góp và chấp nhận cho phép tiếp tục tổ chức chọi trâu vào đúng 9 tháng 8 âm lịch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh “thu hẹp quy mô, ngăn chặn tính thương mại hóa để trục lợi”. Bà Thủy nhấn mạnh địa phương cần có biện pháp cụ thể về sử dụng vũ khí, biện pháp an toàn để bảo đảm lễ hội an toàn cho người dân và những người tham gia lễ hội. Về giải pháp ngăn chặn thương mại trục lợi, bà Thủy yêu cầu BTC làm tốt niêm yết giá, tránh để hiện tượng đưa trâu ngoài vào lừa người mua.

Tác giả: BẢO HÂN

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: lễ , chọi trâu , lễ hội , đồ sơn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP