Du lịch

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Chủ trâu 'tự nguyện' nộp hàng chục triệu?

Một thông tin vô cùng bất ngờ, các chủ trâu tham gia Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã "tự nguyện" đóng góp một khoản tiền cho ban tổ chức. Đáng nói, số tiền này không hề nhỏ.

Theo quy định của BTC lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, mỗi phường chỉ có 4 “ông trâu” được phép tham gia vòng đấu loại. Tuy nhiên, tại các phường, số lượng trâu đăng ký lên đến hơn chục con.

Vì vậy, trước đây, người dân tại các phường đều tự tổ chức vòng đấu loại để chọn ra 4 trâu khỏe nhất, tốt nhất tham gia lễ hội. Thế nhưng, theo ông Đinh Đình Phú – người có công phục dựng lại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, hiện nay, ban tổ chức quy định mỗi phường tự lựa chọn ra 4 “ông trâu” để tham gia vòng loại. Việc này dễ gây ra những tiêu cực như “mua lốt” cho trâu, lựa trâu không chuẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng của lễ hội.

Để chứng minh điều này, ông Phú cho biết, các chủ trâu tại phường Ngọc Xuyên phải nộp cho UBND phường 60 triệu để có thể tham gia lễ hội. Tuy nhiên, do số tiền phường đưa ra quá lớn nên ông Phú chỉ đóng góp 25 triệu đồng. "3 ông trâu còn lại mỗi ông đều đóng 60 triệu đồng” – ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, số tiền mà các phường trên địa bàn Đồ Sơn đưa ra đối với mỗi chủ trâu là khác nhau, có phường các chủ trâu chọi phải đóng lên tới 120 triệu đồng.

Mỗi chủ trâu "tự nguyện" đóng góp hàng chục triệu đồng cho BTC phường.

Một chủ trâu tham gia lễ hội nêu ý kiến: "Chúng tôi sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu để ủng hộ kinh phí tổ chức. Tuy nhiên, các chi phí khác mà quận đề ra như phí bảo hiểm, phí chuồng trại, phí giết mổ, phun thuốc, thuế kinh doanh thịt trâu mùa lễ hội lên đến gần chục triệu đồng, không thể cứ bổ đầu chủ trâu chúng tôi bắt nộp được".

Tại phường Vạn Hương, các chủ trâu năm nay cũng nộp lên phường 25 triệu đồng sau khi được UBND phường mời lên họp bàn và thống nhất việc ủng hộ kinh phí tổ chức lễ hội.

Trong khi đó, một chủ trâu tham gia lễ hội chọi trâu tại phường Ngọc Xuyên lại khẳng định không có chuyện phường bắt các chủ trâu nộp tiền để tham gia lễ hội. Trong 60 triệu đồng mà các chủ trâu nộp về phường thì 30 triệu là chủ trâu ủng hộ BTC phường để lấy kinh phí tổ chức lễ hội. 30 triệu đồng còn lại là công đức vào đình Ngọc của địa phương để trả nợ kinh phí trùng tu. “Tất cả việc đóng góp là do chúng tôi tự nguyện” –chủ trâu này cho biết.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Khắc Hạnh – Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuyên cho biết, năm nay có 20 đơn của các chủ trâu xin đăng ký tham gia lễ hội. Để lựa chọn 4 trâu theo yêu cầu của BTC, UBND phường đã thống nhất phương án năm nay sẽ lựa chọn những chủ trâu có nhiều kinh nghiệm, đã tham gia lễ hội chọi trâu nhiều năm và có trâu tốt để tham gia. Những chủ trâu khác sẽ sắp xếp tham gia vào lễ hội các năm tiếp theo.

Ông Hạnh cũng cho biết, do không có nguồn ngân sách nào hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức lễ hội chọi trâu nên UBND phường đã vận động các chủ trâu có trâu tham gia lễ hội đóng góp kinh phí. Trong 30 triệu đồng mà chủ trâu ủng hộ đã bao gồm tiền bảo hiểm, tiền chuồng trại, phí giết mổ, phun thuốc, thuế kinh doanh bán thịt trâu mùa lễ hội…

Số tiền đó phường nộp lên quận, còn lại phường dùng để trả các kinh phí khi tổ chức lễ hội như tiền lễ, cờ quạt, trang phục, trả tiền công cho các vị cao niên trong phường tham gia tế lễ… “Nếu trâu nào vào vòng chung kết thì mất thêm 4,5 triệu tiền thuế” – ông Hạnh cho biết.

Ông Hoàng Anh Tuấn – Chánh văn phòng UBND quận Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) khẳng định, UBND quận không đưa ra bất cứ quy định nào yêu cầu chủ trâu phải nộp tiền mới được tham gia lễ hội. Quận cũng không vận động chủ trâu ủng hộ chi phí tổ chức lễ hội.

Mỗi năm, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thu hút hàng chục vạn lượt khách du lịch đến xem. Vé xem ở vòng loại là 80.000 đồng/vé, vòng chung kết 150.000 đồng/vé. Đó là chưa kể tiền huy động ủng hộ từ doanh nghiệp... Sau mỗi mùa chọi trâu, nguồn thu từ lễ hội đạt vài tỷ đồng.

Ông Đinh Đình Phú cho biết: “Có năm UBND quận công bố thu được 3 tỷ từ lễ hội, trừ các chi phí đi còn lãi 600 triệu đồng. Nhưng quận lại không nói rõ 600 triệu ấy sẽ dùng vào mục đích gì”.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định có chuyện dư vài trăm triệu sau khi thanh quyết toán các chi phí tổ chức lễ hội. Số tiền dư ra, UBND quận dùng để sửa chữa các trang thiết bị tại sân vận động phục vụ cho lễ hội như cờ cắm, cờ quạt… từ các phường đến quận.

Tác giả: Nguyễn Dịu

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP