Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết) về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ở TP HCM đã tạm ngưng hơn 7 tháng qua. Ảnh: Sỹ Đông |
Thủ tướng nhận định sự chậm trễ trong ban hành các văn bản liên quan đến việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT) đã tạo khoảng trống pháp lý khiến các dự án đang và chuẩn bị triển khai trên cả nước năm 2018 bị đình trệ, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Việc thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trong thời gian qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thường trực Chính phủ chỉ đạo các các bộ, ngành liên quan sớm khắc phục khoảng trống pháp lý này. Cụ thể, đối với dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết theo hướng tập trung xử lý chuyển tiếp đối với các dự án đã ký Hợp đồng BT trước ngày 1-1-2018. Các dự án không bị hồi tố nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, không gây khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chỉ đạo của Chính phủ để hợp thức hóa sai phạm trong đầu tư dự án BT.
Cống ngăn triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) có giá trị lớn nhất trong dự án chống ngập do triều theo hợp đồng BT. Ảnh: Sỹ Đông |
Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các địa phương có thẩm quyền đối với dự án BT và nhà đầu tư dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các hợp đồng dự án, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm. "Không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm" – thông báo kết luận nêu rõ.
Trong trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải điều chỉnh lại hợp đồng BT. Đặc biệt, nếu phát hiện vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công,… thì phải tự hủy hợp đồng, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Thường trực Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vương Đinh Huệ trực tiếp chỉ đạo rà soát kỹ dự thảo Nghị quyết, hoàn thành trước 20-12-2018 để trình Thủ tướng Chính phủ.
Tác giả: SƠN TRANG
Nguồn tin: Báo Người lao động