Trong nước

Chính phủ nói gì về phương án xử lý tài sản bất minh tại toà?

UB Thường vụ Quốc hội “khuôn” lại 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được nguồn gốc là: khởi kiện ra toà đề nghị tịch thu hoặc thu thuế. Đến thời điểm này, cả cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo dự án luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đều chọn phương án giải quyết tại toà.

Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là nội dung đầu tiên được UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 27, bắt đầu vào sáng nay, 10/9.

Lần này, báo cáo của UB Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án luật chỉ nêu một vấn đề còn nhiều ý kiến nhau: quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 57).

(Ảnh minh hoạ: Vneconomy)

Theo báo cáo, UB Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng 2 phương án gồm thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án (phương án 1) và thu thuế thu nhập cá nhân (phương án 2) bảo đảm có căn cứ, phù hợp với thực tiễn.

Theo phương án 1, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình; Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ưu điểm của các phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời, việc giao cho tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng, theo cơ quan thẩm tra.

Báo cáo cũng cho biết, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thì đến năm 2011 có khoảng 25 quốc gia quy định về thu hồi tài sản không dựa trên kết án hình sự.

Theo phương án 2, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Ưu điểm của phương án này là thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế (thuế) nên thời gian xử lý ngắn hơn, hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án. Việc thu thuế cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính và thu hồi tài sản nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì họ vẫn có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa hành chính để giải quyết.

Đối với các phương án khác theo ý kiến của đại biểu Quốc hội là xử lý hành chính, xử lý hình sự thông qua việc hình sự hoá tội làm giàu bất chính, xử lý như hiện nay Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án cũng đều xem xét, cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm.

Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, cả UB Tư pháp và Chính phủ (cơ quan trình dự án luật) đề nghị lựa chọn phương án 1 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án) vì đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP