Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP |
Cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0 giữa Mỹ và Trung Quốc
Giáo sư Niall Ferguson đến từ Đại học Harvard và Đại học Stanford cho rằng thế giới đang bước vào một cuộc Chiến trạnh Lạnh mới khi mà Mỹ và Trung Quốc đều đang đối đầu trực diện để giành vị trí siêu cường thế giới.
"Những điều chúng ta đang thấy không chỉ là vấn đề thuế quan. Nếu nhìn vào cuộc chiến nổ ra xoay quanh vụ việc Tập đoàn viễn thông Huawei, chúng ta sẽ thấy có có điểm gì đó của một cuộc Chiến tranh Lạnh", ông Ferguson nói.
Bên cạnh đó còn có yếu tố quốc phòng. Trung Quốc đang xây một kho vũ khí khổng lồ, có lẽ không nhằm mục đích nào khác ngoài việc thách thức vị trí của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chuyên gia này cũng nhận định cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới này không tập trung vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân như những năm về trước.
"Cuộc Chiến tranh Lạnh này hơi khác một chút. Nó sẽ là cuộc chạy đua vũ trang trí tuệ nhân tạo hoặc điện toán lượng tử - một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ cao. Đó là Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0”, ông Ferguson phân tích.
Giáo sư Ferguson cũng bày tỏ lo ngại rằng sự đối đầu Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác trên thế giới như những gì từng xảy ra với cuộc đối đầu Mỹ - Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh trước đó. Chuyên gia này cũng nhận định, nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là một thảm họa về kinh tế.
Mỹ đánh giá thấp cuộc đối đầu với Trung Quốc?
Tuyên bố một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc không phải là một điều khó khăn với Mỹ nhưng làm thế nào để "chiến đấu" và "chiến thắng" trong cuộc chiến này mới là điều đáng quan tâm. Chuyên gia Hugh White nhận định trên tờ SCMP rằng trong khi Washington xác định việc ngăn cản Trung Quốc thực hiện các tham vọng toàn cầu là ưu tiên chiến lược cao nhất của Mỹ thì bản chất và quy mô của kế hoạch này vẫn chưa được xem xét một cách cụ thể và rõ ràng.
Theo ông Hugh White, không phải người Mỹ nào cũng lo lắng về một "cuộc Chiến tranh Lạnh" với Trung Quốc nếu nó xảy ra, bởi họ cho rằng đây là cuộc chiến mà Washington sẽ dễ dàng giành chiến thắng. Hầu như người ta nhìn thấy rất ít nỗ lực trong việc hình thành một chiến lược kiềm chế Trung Quốc, từ những nghiên cứu chính sách của các viện nghiên cứu đến Sáng kiến Tái đảm bảo châu Á (ARIA) gần đây của Quốc hội đều cho rằng Mỹ có thể giải quyết những thách thức từ phía Trung Quốc.
Các cuộc thảo luận của Mỹ đều xoay quanh việc thắt chặt quan hệ với đồng minh, giữ vai trò là một đối tác chủ động, triển khai quân sự hay phát triển kinh tế... Đó là những gì Mỹ đang nói và đang làm trong những năm qua nhưng thực tế là không có biện pháp nào trong số đó kiềm chế được sức ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Chuyên gia Hugh White nhận định Mỹ đã đánh giá thấp Trung Quốc và đó là một sai lầm lớn, phản ánh sự hiểu lầm nghiêm trọng của Mỹ về quyền lực và tham vọng của Trung Quốc. Khi các vấn đề liên quan đến Trung Quốc được hiểu đúng đắn và được xem xét cụ thể, rõ ràng Mỹ đang phải đối mặt với một thách thức lớn và không dễ giải quyết. Cũng theo nhà phân tích này, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới thậm chí sẽ khó khăn, nguy hiểm và tốn kém không kém gì cuộc Chiến tranh Lạnh từng xảy ra.
Đằng sau cuộc đối đầu Mỹ - Trung
Như vậy, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung thực sự nên được hiểu như thế nào? Các quan chức Mỹ, cũng giống như Phó Tổng thống Mike Pence tại Hội nghị Munich gần đây đều khẳng định rằng vấn đề của Mỹ với Trung Quốc nằm ở các chính sách cụ thể ở Bắc Kinh, chẳng hạn như tham vọng của Trung Quốc với các vùng biển trong khu vực hay những chính sách kinh tế thiếu công bằng.
Nếu thực sự vấn đề căng thẳng Mỹ - Trung nằm ở đó thì chỉ cần thuyết phục Bắc Kinh từ bỏ các chính sách này và sau đó mọi việc sẽ lại được giải quyết, cũng như quan hệ hai nước sẽ lại trở nên tốt đẹp. Tuy nhiên, điều đáng nói là Trung Quốc không dễ từ bỏ và vấn đề giữa hai quốc gia cũng không chỉ có vậy.
Vấn đề ở đây là Mỹ muốn trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng vượt trội ở Đông Á và Trung Quốc thì muốn thay thế vị trí này. Đó là cuộc cạnh tranh thực sự - cuộc cạnh tranh giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới để giành vai trò lãnh đạo trong khu vực năng động nhất thế giới. So với điều này, những tranh cãi hiện nay về luật biển hay quyền sở hữu trí tuệ có vẻ như "không thấm tháp gì".
Một vấn đề nữa là, trả lời cho câu hỏi ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ không phải là điều đơn giản vì cả Washington và Bắc Kinh đều cho rằng mình mới thực sự là chủ thể có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở châu Á. Nếu như Mỹ cho rằng Mỹ duy trì ảnh hưởng ở châu Á như một lẽ tự nhiên và phù hợp thì Trung Quốc lại cho rằng điều ấy là không thể chấp nhận được.
Để hiểu vì sao Trung Quốc lại nhìn nhận đây là điều không thể chấp nhận được, cần xem xét lại một đánh giá thận trọng của Henry Kissinger cách đây nhiều năm, rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thực chất được điều hướng bởi sự tương đồng giữa 2 quốc gia nhiều hơn là những khác biệt, đặc biệt là sự tương đồng khi cả hai đều coi mình là những chủ thể quốc tế có ảnh hưởng vượt trội.
Theo ông Hugh White, chỉ cần đặt ra giả thuyết liệu Mỹ sẽ cảm thấy như thế nào nếu Trung Quốc chiếm ưu thế và ảnh hưởng ở bán cầu Tây như cách mà Mỹ chiếm ưu thế ở Đông Á, chúng ta sẽ hiểu Trung Quốc quyết tâm mạnh mẽ như thế nào trong việc "đẩy" Mỹ khỏi khu vực và thay thế vị trí của Washington ở đây.
Sức mạnh của Trung Quốc là trở ngại lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt hiện nay và trở ngại này thậm chí sẽ ngày càng khó khăn hơn. Giống như mọi quốc gia, nền tảng cho sức mạnh của Trung Quốc là nền kinh tế và hiện nay kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng lớn hơn và phát triển mạnh hơn, theo đánh giá của ông Hugh White thì tương đương với Mỹ và lớn hơn cả Liên Xô ở thời kỳ đỉnh cao.
Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ sớm giữ vai trò “đầu tàu thế giới" nhưng nó thực sự biến Trung Quốc trở thành một "trở ngại khó khăn" với Mỹ và đặt ra câu hỏi rằng liệu Mỹ có thực sự thành công trong việc tiếp tục giữ một trật tự mà Washington từng thiết lập ở châu Á hay không, trong bối cảnh Bắc Kinh đang ngày càng quyết tâm để thay thế vị trí này./.
Tác giả: Kiều Anh
Nguồn tin: Báo VOV