Chạy ba gác, lương ngang giám đốc
Tại làng Rùa Hạ, (Thanh Oai) phía Tây thành phố Hà Nội, người dân nơi đây đang trên đà phát triển kinh tế và rất muốn được thoát ly nhà máy, công xưởng ra các cụm khu công nghiệp gần nhà để phát triển kinh tế và tránh ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng, các khu công nghiệp ở gần đó “rất khó” để có suất vào được. Vì thế, người dân nơi đây đành phải tự mở xưởng tại nhà, trong các ngõ ngách chật hẹp. Những yếu tố đó đã giúp cho xe ba gác trở thành công cụ kiếm tiền số 1 của những thanh niên thất nghiệp ở làng.
Một chiếc xe ba gác đang nghỉ trưa |
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Kết, chủ một doanh nghiệp sản xuất đồ công nghiệp phụ trợ trong làng cho biết: “Việc kinh doanh trong làng ngày một tốt hơn, nhưng đường sá chật chội nên việc vận chuyển hàng hóa từ xưởng này sang xưởng khác vô cùng khó khăn.”
“Cái khó ló cái khôn, một số người thất nghiệp trong làng đã bỏ ra 15 triệu đồng để mua 1 chiếc xe ba gác về chở hàng. Niên hạn của những chiếc xe này chỉ khoảng 5 – 7 năm nhưng với nhu cầu cao của các xưởng trong làng thì chỉ chạy 1 tháng đã thừa sức gỡ vốn bỏ ra”, anh Kết nói.
Hàng hóa phải vận chuyển nhỏ và đơn giản |
Đi một vòng quanh làng, những chiếc xe ba gác cứ nối đuôi nhau nườm nượp chở hàng, vừa đi anh Kết vừa kể: “Trong làng có khoảng 50 xe ba gác này, nhưng chỉ hoạt động trong khu vực làng, không dám ra ngoài. Người nào quan hệ tốt với các xưởng thì chạy không hết việc từ tinh mơ đến tối mịt. “Kịch kim” mỗi ngày một xe có thể chạy tới 35 chuyến.”
“Giá mỗi chuyến bất kể khoảng cách xa, gần đều là 25.000 đồng, mà không mất luật lá gì. Tính nhẩm doanh thu mỗi xe cũng được gần 27 triệu đồng/tháng. Trừ đi 50.000 đồng tiền dầu mỗi ngày và bảo dưỡng máy móc hàng tháng khoảng 500.000 đồng thì thu nhập cũng khoảng 24 triệu đồng, ngang một giám đốc công ty nhỏ”, anh Kết cho biết.
Xe ba gác chở hàng tới các xưởng hàng chục chuyến mỗi ngày |
Người trong làng cứ không có việc thì bỏ ra chút vốn để chạy xe ba gác, ngày nào cũng như ngày nào chạy bất kể nắng mưa. Công việc này cũng không quá vất vả vì chỉ chạy loanh quanh gần nhà.
Không những thế, những công việc bốc dỡ cũng không quá nặng nhọc do các xưởng đã có người hoặc máy móc dỡ hàng. Lái xe chỉ việc lùi xe vào, chờ xưởng dỡ hàng rồi lại lấy hàng chở qua xưởng khác.
Tuy nhiên, anh Kết cho biết: “Người nào quen các xưởng to thì chạy không hết việc, nhưng cũng có người ngồi “vêu” cả ngày không có việc làm. Phần vì quan hệ kém, phần vì văn hóa ở làng có không thích nhau thì họ cũng không thuê.”
Thu nhập khủng nhưng vẫn trăn trở
Thu nhập cao là thế, nhưng anh Kết vẫn trăn trở: “Thực sự mà nói, xe ba gác đã bị cấm. Nó trở lại thời hoàng kim như vậy là do bất đắc dĩ, chứ thực sự các doanh nghiệp tại đây rất tha thiết muốn được ra các khu công nghiệp. Ở đó, các doanh nghiệp có con đường rộng rãi, ô tô có thể vào tận xưởng, từ đó sẽ dễ dàng ký hợp đồng với công ty nước ngoài.”
“Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc thường xuyên tới đây tìm hiểu để kinh doanh. Thế nhưng vấn đề nhà xưởng nhỏ, đường xá quá bé xe tải không vào bốc hàng được khiến họ bỏ đi không ít”, anh Kết tiếc nuối.
Nhiều người khá thích thú vì đã từ lâu rồi không nhìn thấy xe ba gác |
Anh Kết thật thà chia sẻ: “Xe ba gác chỉ là giải pháp tình thế, khi nào địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp nơi đây thì nhiều anh em chạy xe ba gác sẽ hùn vốn lại mua xe tải để vận chuyển.”
“Vừa an toàn, vừa cho thu nhập ổn định và khá hơn. Do địa phương đang rất phát triển về sản xuất, nhu cầu chuyển hàng là không hề nhỏ”, anh Kết cho nói.
Mong mỏi là thế, nhưng có một chỗ ở khu công nghiệp hiện đang là điều “bất khả thi” với nhiều doanh nghiệp ở đây. Bởi vậy, những chiếc xe ba gác sẽ vẫn còn hiện hữu ở ngôi làng nhiều “đại gia” này, nếu địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp.
Tác giả: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo Dân trí