“Đây là một thử nghiệm xã hội”, Mitsumoto cho biết. Anh bắt đầu bán hàng trên mạng từ năm 1996. Sau đó, anh sáng lập Stores.jp - phiên bản Nhật của Shopify. “Dĩ nhiên, tôi tin rằng người tốt nhiều hơn người xấu. Nhưng câu hỏi là hơn bao nhiêu. Đấy là điều bạn không thể biết được nếu không thử”, anh nói.
Để kiểm chứng việc này, hồi tháng 6, Mitsumoto đã ra mắt một ứng dụng. Việc kinh doanh tốt hơn nhiều so với anh tưởng tượng. Chỉ sau 16 giờ, anh đã ngập trong khối nợ 360 triệu yen (3,2 triệu USD) và phải ngừng dịch vụ. Một ngày sau, hàng núi quần áo và đồ điện bắt đầu được chở đến nhà anh. Các nhân viên đã phải xếp hàng để vận chuyển gói đồ vào văn phòng nhỏ xíu ở Tokyo.
Yusuke Mitsumoto được đánh giá là một người liều lĩnh. Ảnh: Bloomberg |
Chỉ chưa đến 10% người bán không giao hàng như cam kết. Với Mitsumoto, tỷ lệ này đã quá đủ khiến anh hài lòng. Đến tháng 8, anh mở lại dịch vụ, đặt tên là Cash, để gom hàng cho một chợ trời online.
Tổng giá trị mua đồ hàng ngày của họ được giới hạn ở 10 triệu yen. Họ cũng chỉ nhận các mặt hàng như smartphone, túi xách hàng hiệu, đồng hồ, quần áo và một số vật phẩm khác. Khách hàng sẽ chụp ảnh đồ muốn bán. Công ty của Mitsumoto ra giá cố định, không mặc cả. Giá được thiết lập tự động dựa trên dữ liệu từ những chợ đồ cũ khác. Cash sau đó sẽ kiếm lời từ khoản chênh lệch khi bán lại chúng.
Ứng dụng Cash giúp người dùng bán đồ không còn sử dụng. Ảnh: Bloomberg |
Buôn bán đồ cũ là ngành kinh doanh lớn ở Nhật Bản, với quy mô thị trường 1.600 tỷ yen, theo Reuse Business Journal. Bookoff Corp có hàng trăm cửa hàng mua bán mọi thứ, từ sách cũ, đến video game và đồ điện tử. Yahoo Japan hiện điều hành trang đấu giá online lớn nhất nước này. Mercari cũng trở thành startup đầu tiên của Nhật được định giá hơn 1 tỷ USD, chỉ nhờ một ứng dụng smartphone hỗ trợ mọi người bán đồ không còn dùng nữa.
Mitsumoto đã tìm ra cách giúp người bán gỡ bỏ rào cản cuối cùng trong việc tống khứ đồ đạc. Đó là những người ít thời gian hoặc ít sự kiên nhẫn để chụp ảnh đẹp, viết mô tả sản phẩm và mặc cả với người mua.
Anh cũng biết rằng nếu không nhanh tay, các đối thủ lớn hơn sẽ nhanh chóng đưa ra mô hình tương tự. Vì thế, khi Mitsumoto nhận được lời chào mua trên Facebook cá nhân: “Xin chào. Tôi là Kameyama đây. Bán Cash cho tôi nhé?”, anh nhận ra đây chính là cách giúp mình luôn dẫn đầu trong cuộc đua.
Keishi Kameyama là một trong những người giàu nhất Nhật Bản, và là nhà sáng lập DMM.com - một đế chế truyền thông - công nghệ với doanh thu hàng năm 1,6 tỷ USD. Mitsumoto đã đồng ý bán Cash với giá 7 tỷ yen (62 triệu USD) nhưng vẫn ở lại điều hành công việc.
“Với những người kinh doanh online tại Nhật Bản, DMM là một cái tên đáng sợ”, Mitsumoto cho biết, “Anh sẽ không bao giờ biết được khi nào họ sẽ mở công ty cạnh tranh với anh đâu. Nên tôi nghĩ tốt nhất là cứ gặp mặt đã”.
Trên thực tế, một tuần sau khi anh bán Cash, Mercari cũng ra mắt dịch vụ tương tự. Phó giám đốc chịu trách nhiệm Mercari Now - Takeo Iyo cho biết Cash là minh chứng cho thấy thị trường đang có nhu cầu về loại dịch vụ này.
Trong một cuộc phỏng vấn, Kameyama cho biết ông và nhóm của mình đã nhận ra tiềm năng của thị trường mà Mitsumoto khai thác. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận cái giá khổng lồ đưa ra để thâu tóm công ty 6 người với tuổi đời chưa tròn 1 năm phần nào phục vụ mục đích tuyển dụng.
“Làm kinh doanh trên Internet không chỉ cần vốn, thiết bị, mà còn cần trực giác, khả năng phán đoán và thực thi”, Kameyama cho biết, “Tôi đánh giá cao những người liều lĩnh. Thế giới không có nhiều người như vậy đâu”.
Tác giả: Hà Thu (theo Bloomberg)
Nguồn tin: Báo VnExpress