Hiện anh Tâm là trưởng nhóm của một đề tài nghiên cứu ở Đại học Công nghệ Nanyang. Ảnh: NVCC |
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm là một trong số gần 200 đại biểu tham gia Diễn đàn Trí thức trẻ toàn cầu lần thứ nhất do T.Ư Đoàn tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 27-29/11. Đến với Diễn đàn anh Tâm mong muốn chia sẻ về việc Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn bức xạ Mặt trời vốn phong phú ở Việt Nam từ kết quả nghiên cứu trong hành trình theo đuổi năng lượng tái tạo và hướng đến chinh phục mặt trời của anh.
Tên "Duy Tâm" nhưng chàng trai quê Bố Trạch, Quảng Bình Nguyễn Duy Tâm thành danh với con đường nghiên cứu khoa học chẳng duy tâm tẹo nào. Tốt nghiệp khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nôi, anh nhận được học bổng nghiên cứu sinh tại ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore từ năm 2013 – 2017. Anh đang tiếp tục làm nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu của ĐH Công nghệ Nanyang.
Nghiên cứu nguồn năng lượng tái tạo, Nguyễn Duy Tâm hướng đến Mặt trời muốn chinh phục nguồn năng lượng dồi dào này. Anh chia sẻ: Hướng nghiên cứu này liên quan trực tiếp đến vấn đề an ninh năng lượng toàn cầu. Điều này càng quan trọng đối với Việt Nam khi cần bổ sung các nguồn năng lượng mới phục vụ sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế".
Việt Nam vốn ưu thế về lượng chiếu sáng của bức xạ mặt trời, ước tính 1.600 - 2.700 giờ chiếu sáng/năm với lượng bức xạ trực tiếp trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày (theo GE Reports). "Bên cạnh mặt tiêu cực làm nền nhiệt độ vào mùa hè của nước ta rất cao khiến nhu cầu sử dụng các phương tiện làm điều hoà không khí tăng lên, bức xạ mặt trời là nguồn năng lượng vô tận mà hiện nay Việt Nam chưa tận dụng được. Vấn đề lớn nhất trong việc sản xuất quy mô lớn và sử dụng đại trà năng lượng Mặt trời không chỉ là giá thành đầu tư, mà là khả năng lưu trữ", anh Tâm cho biết.
"Có một bí mật nhỏ, ước mơ của mình từ bé không phải là trở thành nhà khoa học. Người đã có công rất lớn giúp mình đi theo con đường nghiên cứu là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội. Giáo sư đã đề nghị mình thi vào khoa Vật lý nano của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội khi nhận thấy mình có khả năng ở ngành này", Tiến sĩ Tâm chia sẻ |
Để giảm tác động tiêu cực, tăng cường hiệu quả tận dụng nguồn năng lượng mặt trời, anh Tâm "bật mí" công nghệ cửa sổ thông minh (smart window), có thể chặn bức xạ nhiệt và tăng cường ánh sáng tự nhiên. "Vật liệu cấu trúc nano dùng trong công nghệ này có đặc tính trong suốt, khi được cấp một điện thế nhỏ sẽ hấp thụ các bức xạ từ vùng hồng ngoại trở đi, đồng thời vẫn cho phép ánh sáng ở vùng nhìn thấy truyền qua. Công nghệ này sẽ giúp giảm đáng kể lượng điện năng cần tiêu thụ để điều hòa nhiệt độ ở trong phòng", anh Tâm chia sẻ.
Sử dụng công nghệ pin oxi hóa-khử vanadium (Vanadium redox flow battery) để lưu trữ hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Hệ thống pin này có ưu điểm là hiệu suất cao (>80%), tuổi thọ trung bình lớn (20-30 năm), an toàn, và có khả năng xạc với nguồn không ổn định. Hệ thống này sẽ giúp lưu trữ năng lượng được tạo ra bởi các công nghệ năng lượng sạch, sau đó có thể chuyển đổi ngược trở lại để sử dụng trong các thời điểm nhu cầu cao, ví dụ như ban đêm.
Nghiêm túc công việc, hướng về quê hương
Trong hành trình nghiên cứu khoa học, Nguyễn Duy Tâm tâm đắc và luôn tự nhủ: "Hãy làm một cách nghiêm túc bằng tất cả khả năng của mình, dù đó có thể không phải là đam mê. Theo đuổi đam mê sẽ giúp bạn luôn hạnh phúc, chưa chắc đã giúp bạn thành công. Nhưng nếu bạn theo đuổi tài năng của mình, bạn sẽ thành công".
Anh Tâm vẫn nhớ những ngày đầu làm nghiên cứu sinh và được nhận vào nhóm nghiên cứu pin vanadium - một đề tài hợp tác tác giữa Đại học Công nghệ Nanyang và hai công ty đến từ Đức, Áo. "Mình tốt nghiệp ngành Vật lý nano nên lúc đầu rất bỡ ngỡ với một đề tài ngành Hóa này. Lúc đó, công ty cũng đã có hoạch định rất cụ thể về các bước mình phải làm để tìm ra một tổ hợp vật liệu mới giúp cải thiện hiệu suất của pin", anh chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Duy chia sẻ: "Gia đình là động lực lớn nhất giúp mình vượt qua những khó khăn, áp lực" |
Hơn hai năm đầu anh Tâm làm theo kế hoạch định sẵn, thử nghiệm rất nhiều các hợp chất được công ty đánh giá có tiềm năng, song vẫn không thu được bất kỳ kết quả nào. Áp lực càng đè năng khi thời hạn học bổng Đại học Công nghệ Nanyang chỉ có 4 năm.
"Nhờ sự động viên và giúp đỡ của các giáo sư hướng dẫn, mình đã đề nghị với công ty là để mình tự do nghiên cứu. Cuối cùng, may mắn, mình đã tìm ra được hợp chất có đặc tính tuyệt vời dựa trên kết quả một đề tài phụ mình thực hiện trước đó, và với giá thành lại rất rẻ. Điều đó cũng giúp mình hoàn thành luận án Tiến sĩ đúng thời hạn", anh Nguyễn Duy Tâm chia sẻ.
Hiện anh Tâm là trưởng nhóm của một đề tài nghiên cứu ở Đại học Công nghệ Nanyang. "Trước mắt mình sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành đề tài đang nghiên cứu ở đây. Mục tiêu dài hạn của mình là quay về Việt Nam để làm việc, nếu có cơ hội mình sẽ quay về sớm hơn dự định", anh Tâm chia sẻ.
Dù nghiên cứu, làm việc ở xứ người, anh Tâm tích cực tham gia nhiều hoạt động hướng về quê hương như gây quỹ học bổng dành cho sinh viên nghèo, giới thiệu các cơ hội học tập cho sinh viên Việt Nam... "Hãy luôn hướng về quê hương dù bạn có đang ở cương vị nào, hay bất kỳ nơi đâu, vì đó chính là nơi những người thân, gia đình mình đang sống", anh Tâm nói.
Biến đổi khí hậu tạo đang là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của cả nhân loại, không chỉ riêng Việt Nam. Điều này xuất phát từ sự nóng lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính, một hiệu ứng có liên hệ mật thiết với lượng phát thải CO2 quá lớn từ các hoạt động của con người. Từ nay đến năm 2040, nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng 56%, trong đó dự đoán 80% vẫn đến từ việc đốt nhiêu liệu hóa thạch, và lượng khí thải CO2 được dự đoán sẽ tăng 46% (International Energy Outlook). Riêng Việt Nam cũng được dự báo là nhu cầu về năng lượng sẽ tăng 10% mỗi năm (Theo GE report) |
Tác giả: XUÂN TÙNG
Nguồn tin: Báo Tiền phong