Giới trẻ

Chàng trai Mỹ nhặt rác ở An Thượng

Mỗi chiều, Andrew J. Smith (37 tuổi, quốc tịch Mỹ) dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để nhặt rác quanh khu An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Bằng hành động nhỏ của mình, Andrew muốn góp sức giữ hình ảnh Đà Nẵng sạch đẹp trong mắt du khách, lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ môi trường.

Hình ảnh chàng trai Mỹ cặm cụi nhặt rác rồi xách những túi rác to bỏ vào thùng rác đã trở nên quen thuộc với người dân ở khu An Thượng. Ảnh: Giang Thanh.

Ông Tây lượm ve chai làm gì?

Từ hơn 1 tháng rưỡi nay, hình ảnh một chàng Tây đeo găng tay cao su, túi quần dắt đầy bao ni lông đi nhặt rác quanh khu An Thượng đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây. Thấy chúng tôi trò chuyện với Andrew, ông Trà Quang Phi (52 tuổi) gọi với: “Cả tháng nay rồi, ngày mô cậu đó cũng nhặt rứa”. Ông Phi cho biết, từ khi nhận về làm công trình ở đây, cứ chiều chiều lại thấy Andrew đi nhặt rác quanh khu này. “Lúc đầu tụi tui không biết còn hỏi nhau “Tây sang lượm ve chai làm gì ta?”. Sau nhờ mấy đứa hỏi mới biết cậu đó đi nhặt rác, hôm nào cũng thấy xách 3 - 4 túi rác to đem vứt vô thùng rác”, ông Phi kể.

Andrew cho biết, lần đầu tiên anh sang Việt Nam là vào tháng 4/2017. “Tôi đến Đà Nẵng và rất ấn tượng với mảnh đất và con người nơi đây. Đà Nẵng rất đẹp và con người rất thân thiện và tình cảm. Bởi vậy lần này tôi trở lại Việt Nam với mong muốn ở lại lâu dài”, Andrew kể. Tới Đà Nẵng, Andrew thuê một căn nhà ở khu An Thượng và sống cùng bạn gái. Và từ đó, mỗi chiều, người dân khu này lại thấy một ông Tây “đi vòng vòng lượm rác”.

“Khu này rất nhiều khách sạn, nhà hàng nên lượng rác rất lớn. Cũng có rất nhiều bãi đất trống, và mọi người cứ mang rác ra đó vứt. Đủ các loại rác: Từ túi ni lông, hộp xốp, phế liệu, cành cây khô... Ở đây có rất nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc. Tôi không muốn họ thấy hình ảnh khu phố ở Đà Nẵng như vậy vì bản thân tôi thấy Đà Nẵng rất xinh đẹp. Bởi vậy, tôi quyết định dành thời gian rảnh để đi thu gom rác”, Andrew giải thích. Đều đặn mỗi chiều, khoảng 4 rưỡi đến 5 giờ, khi mặt trời bớt gay gắt, Andrew lại chuẩn bị “đồ nghề” là găng tay cao su và túi ni lông sạch để đi nhặt rác. Mỗi ngày, anh nhặt rác khoảng 1 giờ đồng hồ, quanh các con phố An Thượng. Cứ đầy 2 - 3 túi rác to, anh lại xách cho vào thùng rác ở đầu đường Đỗ Bá. Thỉnh thoảng, bạn gái của Andrew sẽ giúp đỡ anh những lúc cô không có giờ dạy tại trung tâm tiếng Anh.

Chung tay bảo vệ môi trường

Những ngày đầu nhặt rác, mọi người trong khu An Thượng đều nhìn Andrew với ánh mắt ngạc nhiên, xen lẫn tò mò. “Nhiều người đi xe máy, họ chạy chầm chậm rồi trố mắt nhìn tôi như kiểu tự hỏi “anh chàng này đang làm gì vậy” rồi bỏ đi”, Andrew nhớ lại. Sau đó, nhiều người tò mò trò chuyện với Andrew, khi biết nguyên nhân anh đi nhặt rác, mọi người đều trầm trồ khen ngợi và “giơ ngón tay khích lệ” mỗi khi thấy Andrew làm việc. “Nhiều người nước ngoài khi thấy tôi làm công việc này cũng tỏ ra thích thú và cổ vũ tôi rất nhiều. Đó là động lực để tôi tiếp tục hành động của mình”, Andrew chia sẻ.

Andrew mong muốn lan tỏa thông điệp chung tay giữ vệ sinh môi trường trong cộng đồng. “Tôi không chắc là mọi người sẽ cùng ra đường nhặt rác sau khi thấy hành động của tôi. Và thực tế là chẳng ai ra đường nhặt rác cùng tôi cả”, Andrew cười lớn. Nhưng anh mong muốn, mọi người sẽ có ý thức hơn ngay từ việc đổ rác.

Ông Lâm Xuân Quang (tổ trưởng tổ 72, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Từ khi cậu Tây đó nhặt rác, mọi người trong khu phố nhắc nhau ý thức, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Chủ nhật, mọi người cùng dọn vệ sinh khu phố”.

Tác giả: GIANG THANH

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP