Ảnh minh họa. |
Đơn cử như tuyến đường sắt Bắc – Nam trên địa bàn Hà Nội, chỉ có 44km mà có tới 236 lối đi dân sinh tự mở qua đường sắt, nghĩa là trung bình một km có 5 đường ngang tự phát. Cuối tháng 3 vừa qua, tại đường ngang đầu cầu Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội, một người đã thiệt mạng do xe chết máy khi cố vượt qua đường ngang lúc tàu đang đến. Đáng nói là những vụ tai nạn thương tâm đó không phải là hy hữu.
Thống kê của Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, hiện đơn vị đang quản lý 176,7km đường sắt từ tỉnh Quảng Trị đến chân đèo Hải Vân, thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chỉ tính riêng tuyến đường sắt này có đến 200 đường ngang dân sinh, trong đó có 124 đường ngang hợp pháp (có quyết định thành lập và có đầy đủ hệ thống biển cảnh báo), số còn lại là bất hợp pháp. Riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 50 đường ngang dân sinh do người dân tự mở để băng qua đường tàu lửa.
Tỉnh Quảng Nam có tới 80 đường ngang dân sinh bất hợp pháp do người dân tự ý mở, trong đó có 14 đường ngang xe ô tô cơ giới thường xuyên qua lại, dễ xảy ra tai nạn giao thông...
Không chỉ các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam đau đầu về đường ngang dân sinh bất hợp pháp, mà 34 tỉnh, thành nơi có tuyến đường sắt chạy qua đều đau đầu vì tình trạng này.
Đầu năm 2018, ngành Đường sắt đã thí điểm lắp đặt hệ thống đèn cảnh báo tại những lối đi dân sinh tự mở. Đồng ý rằng đây là nỗ lực của ngành Đường sắt để nhằm hạn chế tai nạn đường sắt xuống mức thấp nhất. Nhưng cũng cần nhìn nhận vấn đề này dưới nhiều góc độ.
Thứ nhất, dù mô hình lắp đèn cảnh báo có hiệu quả đến đâu đi nữa nhưng yếu tố quyết định đảm bảo an toàn vẫn là ý thức chấp hành của người dân. Nếu người dân vẫn bất chấp quy định và tính mạng của mình để cố vượt đường sắt khi cần chắn đã hạ thì nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt tại đường ngang vẫn luôn tiềm ẩn.
Thứ hai, cần phải lưu ý rằng, đây là những đường ngang dân sinh tự mở, có nghĩa rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật và cũng không có gì đảm bảo rằng con số đường ngang dân sinh dân tự mở sẽ dừng lại ở con số như hiện nay mà không phát triển thêm. Chuyện dân mở đường ngang băng qua đường sắt cũng như câu nói của giới trẻ hiện nay: “Mình thích thì mình nhích thôi. Mình tiện thì mình làm thôi”.
Chính phủ đã có Quyết định 1856 theo đó đến năm 2020 sẽ hoàn toàn xoá bỏ các lối đi dân sinh trái phép trên tuyến đường sắt. Và “Không lắp đặt rào chắn tại đường ngang dân sinh mở bất hợp pháp” – là phản hồi của ngành chức năng trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Vinh, Nghệ An về đề nghị lắp đặt rào chắn tự động đường dân sinh qua đường sắt tại một số tuyến đường thuộc địa bàn xã Nghi Liên để đảm bảo an toàn giao thông.
Lý giải cho phản hồi này là theo quy định của pháp luật thì đối với đường ngang hợp pháp việc lắp đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, hàng rào, chốt gác... do ngành Đường sắt thực hiện. Đối với đường dân sinh (đường ngang bất hợp pháp do người dân tự mở) chính quyền địa phương phải thực hiện việc xóa bỏ, các trường hợp tạm thời cho phép tồn tại trong thời gian chờ xóa bỏ thì địa phương phải có các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Rõ ràng rằng, không có căn cứ pháp lý để đề nghị ngành Đường sắt lắp đặt rào chắn tự động tại các đường dân sinh tự mở qua đường sắt. Vậy thì có nên “tự thả gà ra mà đuổi”, bất chấp, coi thường pháp luật như vậy mãi được không?
Tác giả: Hồng Minh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam