“Theo em tìm hiểu, máy in 3D này ở Nghệ An chưa có. Nguyên tắc hoạt động của máy nói ngắn gọn là “bạn nghĩ gì, bạn sẽ có sản phẩm đó”. Sử dụng công nghệ in 3D “nung chảy và lắng đọng”, nguyên liệu là nhựa PLA – ABS. Quá trình sản xuất gồm thiết kế, phác thảo mẫu in trên phần mềm 3D, sau đó, máy sẽ đọc được nội dung và in ra sản phẩm đúng mẫu”.
“So với công nghệ in truyền thống, thì in 3D nhanh hơn (khoảng từ 3 tiếng đến 3 ngày thay vì 16 - 20 tuần) và cho ra sản phẩm tinh xảo, chính xác hơn”, Nguyễn Đại Nhân (Khoa Cơ khí - chế tạo máy Trường ĐH SPKT Vinh) phấn khởi nói.
Nhân cho biết, em bắt đầu ý tưởng sáng chế máy in 3D từ dịp đi xem triển lãm KH - CN tại Hàn Quốc. Thời điểm đó, Nhân là 1 trong số những sinh viên xuất sắc của trường được đưa sang Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hàn Quốc (Korea University of Technology Education) theo “chương trình trao đổi sinh viên”.
Mô hình máy in 3D ở triển lãm mới là dạng demo. Nhân tìm hiểu thêm, thấy công nghệ hay, tính ứng dụng trong thực tiễn cao, và nghĩ “tại sao mình không tạo ra một cái máy in như thế”? Nhờ thêm sự trợ giúp của “đồng môn” Nguyễn Sỹ Công, Hồ Hữu Vinh và Thái Sỹ Tình cùng được gửi sang trao đổi SV, nhóm bạn đã tìm tòi, nghiên cứu lý thuyết và khi trở về Việt Nam thì bắt tay vào “hiện thực hóa”.
“Được khoa và nhà trường ủng hộ, giúp đỡ về kiến thức và toàn bộ kinh phí, sau 4 tháng, đến đầu tháng 5/2016, máy in 3D của bọn em đã hoàn thành, in ra được sản phẩm và được gửi đến triển lãm Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An. Nhiều thầy cô, các chuyên gia và các bạn đánh giá tốt, khiến nhóm em rất vui.
Hiện giờ bọn em đang chỉnh sửa máy in 3D để làm đồ án tốt nghiệp. Các thầy cô trong khoa cũng góp ý nhiều về thiết kế và tiếp tục hỗ trợ kinh phí để bọn em hoàn thiện công trình”, Nhân cho biết.
“Đứng ở nơi nào cũng được, nhưng phải vững”
Mê kỹ thuật, nhưng “Lúc mới học xong lớp 12, em cũng muốn đăng ký vào những ngành “hot” theo trào lưu của thời điểm bấy giờ như kinh tế, kế toán, ngân hàng… Nhưng bố đã nói một câu khiến em suy nghĩ lại: Con muốn thi và học ở đâu tùy con. Nhưng hãy đứng ở nơi nào thật vững, theo đúng đam mê lâu dài của con, chứ đừng tìm một nơi khiến con chới với…”, Nhân chia sẻ.
Hoàn cảnh gia đình làm nông nghiệp vất vả, theo học nghề gì để sau ra trường tự xin được việc, đỡ đần cho bố mẹ? Sau thời gian cân nhắc, cậu học trò đã quyết định đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, vừa có điều kiện theo đuổi đam mê, vừa gần nhà, phù hợp với kinh tế gia đình.
Nguyễn Đại Nhân trở thành sinh viên K6, Khoa Cơ khí – chế tạo máy, Trường ĐH SPKT Vinh. “Bây giờ nghĩ lại đó là một quyết định đúng đắn của em. Vào trường em được các thầy giảng dạy, giúp đỡ rất nhiệt tình”, Nhân nói. Hệ thống phòng thực hành, xưởng máy đầy đủ, hiện đại của trường là một thế giới đáng mơ ước đối với cậu SV bước ra từ làng quê. Hiểu, làm chủ và điều khiển máy móc, thiết bị kỹ thuật trở thành mục tiêu phấn đấu của Nhân trong suốt 4 năm ĐH.
Thầy Phan Đình Quang, (GV Khoa Cơ khí - chế tạo máy) cho biết: “Nhân là một SV có tố chất, chịu khó mày mò, sáng tạo. Năm 2014, lần đầu tiên SV tại Nghệ An tham dự cuộc thi “Kỹ năng nghề quốc gia” và Nguyễn Đại Nhân đã giành về giải Ba cho trường. Mong rằng, với những kiến thức và kỹ năng được học, em sẽ thành công hơn nữa trong tương lai”.
Theo Nhân, điều quan trọng nhất của bất kỳ một SV nào là xác định mục tiêu học tập, cố gắng theo đuổi đến cùng. Khi gặp khó khăn, mạnh dạn đề nghị thầy cô, khoa, và nhà trường giúp đỡ. Sự quan tâm, đào tạo của thầy cô, cũng như cơ sở vật chất của trường có thể nói đáp ứng đủ mọi nhu cầu học tập và thực hành của sinh viên. Vì thế, phần còn lại là ở bản thân mình có cố gắng, nỗ lực hay không”!
Thời gian tới, Nguyễn Đại Nhân cho biết, em sẽ cố gắng hoàn thành đồ án tốt nghiệp, trau dồi thêm tiếng Anh và trên nền tảng những gì được học ở trường sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê thiết kế.
Tác giả bài viết: Hồ Lài