Dùng chiêu trúng thưởng để lừa người tiêu dùng
Phản ánh với Báo Người Tiêu Dùng, chị Mai (Q.3, TP.HCM) cho biết, cách đây 5 ngày, chị nhận được điện thoại của một người xưng là Trường từ kênh mua sắm Home shopping ti vi, thông báo về việc chị đã tích lũy được số điểm thưởng tương đương 5 triệu đồng trong một lần mua sắm trong khung giờ vàng của công ty. Nhân viên này tiếp tục mời chào chị Mai: “Nếu mua thêm 1 trong 2 sản phẩm là điện thoại Samsung Galaxy A7 2016 và đồng hồ mạ vàng mà bên công ty đang bán, chị sẽ được giảm giá bằng điểm tích lũy với số tiền tương đương là 5 triệu đồng”.
Bán tín bán nghi, chị Mai có ý từ chối tiếp thị. Nhưng người gọi vẫn cố gắng thuyết phục và cam kết sản phẩm mà công ty giới thiệu là hàng chính hãng 100% và được bảo hành toàn quốc nên chị đã đồng ý mua một chiếc điện thoại Samsung Galaxy A7 có giá 8.800.000 đồng. Trừ đi số tiền tích lũy, chị chỉ cần trả 3.800.000 đồng cho chiếc điện thoại này.
Trong quá trình trao đổi, chị Mai rất cẩn thận và có nói rõ với bên bán hàng, nếu sản phẩm nhận được là hàng giả, hàng Trung Quốc không có nguồn gốc rõ ràng thì chị không nhận hàng. Nhân viên này đồng ý và trả lời nếu là hàng giả, kém chất lượng sẽ được đổi trả trong vòng 7 ngày.
Khi nhân viên bưu điện giao hàng đến, thấy trên hóa đơn ghi tên mặt hàng là máy tính bảng chị Mai đã ngay lập tức gọi điện đến số điện thoại đã liên lạc trước đó để hỏi rõ. Nhân viên phía công ty giải thích rằng, theo quy định đóng gói sản phẩm, điện thoại có màn hình 5.5 inch phải ghi tên là máy tính bảng vì vậy hóa đơn không được phép ghi là điện thoại di động (ĐTDĐ).
Chị Mai yêu cầu trả lại thì nhân viên này trình bày, theo quy định của bưu điện, người nhận phải trả tiền mới được mở hộp kiểm tra. Trên hộp giao hàng cũng có ghi rõ “không được phép mở hàng”. Khách hàng có hai lựa chọn, không trả tiền và trả hàng hoặc trả tiền nhận hàng. Nếu chọn nhận hàng, sau khi trả tiền và kiểm tra thấy không đúng sản phẩm đã mua, khách hàng báo lại và phía bên công ty sẽ hỗ trợ để đổi hàng.
Đặt mua điện thoại Samsung Galaxy A7 2016 nhưng chị Mai lại nhận được một máy tính bảng không rõ nguồn gốc.
Trả lời mập mờ và trốn tránh khách hàng
Sau khi bóc hộp kiểm tra, thay vì điện thoại Samsung Galaxy A7 thì sản phẩm mà chị Mai nhận được là một máy tính bảng E Plus (E+) và một gậy selfie tặng kèm. Chị đã phản ánh lại ngay với nhân viên trực máy thì được yêu cầu chờ kiểm tra và 10 phút sau sẽ có người gọi lại, thế nhưng bên kia vẫn bặt vô âm tín.
Quá bức xúc vì bị lừa, chị Mai tiếp tục gọi điện đến số điện thoại mà bên kia đã gọi tới, yêu cầu giải thích rõ ràng thì nhân viên tên Trường lúc trước gọi để tư vấn mua hàng nghe máy và trả lời lật lọng.
Theo anh này, bộ phận chăm sóc khách hàng đã tư vấn rõ sản phẩm là “điện thoại sử dụng công nghệ” Samsung Galaxy A7 2016 chứ không phải là ĐTDĐ Samsung Galaxy A7 và cho rằng chị Mai đã nghe không rõ nên bị nhầm lẫn. Người này khẳng định đã tư vấn đúng và sản phẩm chị đã nhận là một chiếc điện thoại chứ không phải là máy tính bảng.
Tuy nhiên, chị Mai không chấp nhận lời giải thích này và đề nghị cung cấp địa chỉ công ty để đến trực tiếp làm việc thì nhân viên này trả lời quanh co, rồi nhanh chóng trở mặt cho rằng bên mình chỉ cung cấp dịch vụ và tư vấn sản phẩm chứ không trực tiếp bán và giao hàng, nếu muốn đổi trả, khách hàng có thể tìm đến địa chỉ bảo hành đã ghi trên hóa đơn giao hàng.
Không giải quyết được qua điện thoại, chị Mai quyết định tìm đến địa chỉ ghi trên hóa đơn, yêu cầu gặp lãnh đạo công ty để giải quyết. Tuy nhiên, địa chỉ này không phải của kênh mua sắm Home shopping mà là văn phòng của Công ty Dương Quang VN (201-203 Bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM) và toàn bộ nhân viên trong công ty bỏ trốn không tiếp. Sau hơn 1 tiếng chờ đợi, chị Mai nhận được một cuộc điện thoại và nói rằng, sẽ hoàn trả lại 90% số tiền đã nhận với lý do là công ty này xin trừ 10% chi phí vận chuyển.
Chị Mai không đồng ý và đề nghị làm việc với ban lãnh đạo công ty và có sự tham gia của Báo Người Tiêu Dùng thì đại diện bên này cuống cuồng và gọi điện lại để xin được hoàn trả 100% tiền cho khách hàng.
Người tiêu dùng không được phép mở hàng kiểm tra nếu chưa thanh toán.
Mua hàng xịn nhận hàng dỏm
Sau khi nhận được phản ánh của người tiêu dùng, chúng tôi đã đem chiếc máy tính bảng của chị Mai đến một siêu thị điện thoại Thế Giới Di Động ở Q.7 để tìm hiểu và nhờ tư vấn.
Qua kiểm tra, anh T.A, quản lý Thế Giới Di Động, cho biết đây là một máy tính bảng nhưng cấu hình và chức năng sử dụng giống như một chiếc điện thoại smartphone tầm trung. Một sản phẩm hoàn toàn mới và chưa thấy bán trên thị trường.
Máy tính bảng E+ Made in HK (Hồng Kông?) có thiết kế tương tự điện thoại iPhone 6 Plus của hãng Apple nhưng lại chạy trên hệ điều hành Android 4.2.2. Cảm ứng chậm, hình ảnh không sắc nét và có khe cắm sim, hộp đựng không có logo hay thương hiệu của nhà sản xuất. Nhìn chung giống như một chiếc ĐTDĐ khổng lồ. Theo anh T.A, với cấu hình và chức năng như vậy sản phẩm này nếu được bán sẽ có giá trong khoảng 700.000-1.000.000 đồng.
Nếu vậy, chị Mai đã phải bỏ ra số tiền gần gấp 4 lần để mua về một sản phẩm kém chất lượng và không có nguồn gốc xuất xứ. Và “điện thoại” này không có một liên quan gì đến dòng điện thoại cao cấp Samsung Galaxy A7 giá 8.800.000 đồng mà chị Mai đã được tiếp thị để mua.
Tác giả bài viết: La Giang - Hà Ngân