Xã hội

Cần xem xét trách nhiệm vụ việc “phân lô cấp sổ đỏ” sân Chi Lăng

Trách nhiệm của những người đứng đầu TP. Đà Nẵng trong việc giao dự án, rồi phân lô cấp sổ đỏ sân Chi Lăng cho tập đoàn Thiên Thanh vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Việc UBND TP. Đà Nẵng cho phép phân mảnh rồi cấp sổ đỏ cho 14 lô đất sân Chi Lăng cho tới nay vẫn chưa được phân định đúng - sai. Ảnh: CTV

Như đã đưa tin, UBND TP. Đà Nẵng năm 2010 giao sân vận động Chi Lăng (Q. Hải Châu) cho tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh làm khu phức hợp thương mại – dịch vụ cao cấp.

Điều đáng chú ý là cơ quan này đã đồng ý cho tách sân Chi Lăng làm 14 mảnh và cấp sổ đỏ cho từng lô đất để Phạm Công Danh mang đi thế chấp tại Ngân hàng Xây dựng (13 lô) và Agribank (1 lô), gây thiệt hại cho các nhà băng hàng nghìn tỷ đồng, và nay cho dù muốn, Đà Nẵng rất khó để “chuộc” lại sân Chi Lăng từ các chủ nợ.

Dư luận Đà Nẵng đã nhiều lần ‘truy’ trách nhiệm của những người đứng đầu Thành phố thời kỳ này xoay quanh việc phân lô cấp sổ đỏ khi dự án vẫn còn trên ‘giấy’ có vi phạm pháp luật hay không, hay năng lực chủ đầu tư còn chưa được thẩm định kỹ càng.

Đáng nói là vụ việc này chỉ ‘vỡ lở’ sau khi đại án Phạm Công Danh được đưa ra ánh sáng cuối năm 2014. Suốt 4 năm trước đó, người dân Đà Nẵng không hề hay biết việc ‘chứng nhân’ lịch sử 70 năm tuổi bị phân lô, thế chấp khống nhằm chiếm đoạt tiền ngân hàng. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có một cuộc thanh, kiểm tra nào được tiến hành, hoặc công khai để người dân được biết.

Trao đổi với người viết, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch Đầu tư) khẳng định cần xem xét cụ thể trách nhiệm cá nhân trong vụ việc sân Chi Lăng, và quan trọng không kém là phải công khai với người dân.

“Tôi cho rằng những lãnh đạo Đà Nẵng liên quan tới vụ việc sân Chi Lăng mặc dù đã về hưu, song không có nghĩa là họ được phép ‘hạ cánh an toàn’. Nếu có sai phạm thì vẫn phải xử lý, thậm chí phải truy cứu, làm thật nghiêm để lấy lại niềm tin của nhân dân, qua đó rút kinh nghiệm trong quản lý và một phần không nhỏ là nhằm răn đe các trường hợp tương tự trong tương lai.

Theo tôi, bất cứ sai phạm nào cũng có hai thành tố, là quản lý và cơ chế chính sách. Ngoài những sơ hở về luật pháp, thì vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Nếu những người này cố tình làm điều sai trái, thì hậu quả sẽ rất ghê gớm bởi họ biết lách vào những kẽ hở đấy”, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ chia sẻ.

TS. Lưu Bích Hồ: Không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng. Ảnh: Diệu Ly

“Trung ương Đảng đang quyết liệt xử lý các sai phạm lớn của đảng viên trong quá khứ, mà như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, kỷ luật vài người để cứu muôn người.

Thời gian qua chúng ta có thể thấy rất nhiều quan chức bị xử lý, bất kể vị trí hay thời kỳ sai phạm. Về vụ việc sân Chi Lăng, Quan điểm của tôi là phải xử lý, bất kể sai phạm (nếu có) đã diễn ra nhiều năm trong quá khứ, không thể coi đó là chuyện đã qua”, TS. Hồ bổ sung.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng:

Tôi từng ngăn cản việc mang sân Chi Lăng đi thế chấp”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho hay ông đã từng ngăn cản việc mang sân Chi Lăng đi thế chấp trong đại án Phạm Công Danh.

“Lúc vụ việc diễn ra tôi là Giám đốc Sở Tư pháp. Ông Phạm Công Danh dùng hồ sơ được cấp để vay vốn từ một số ngân hàng nhưng tôi đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống công chứng là nghiêm cấm không ký tên đóng dấu gì hết! Nhưng sau đó ông này lại mang hồ sơ về vay ngân hàng của ổng (Ngân hàng Xây dựng – PV). Thực ra ông Danh lấy cái này (dự án sân Chi Lăng – PV) để hợp thức thôi. Tay này ông cầm ngân hàng, tay kia ông cầm dự án đút qua đút lại, khai khống giá trị lô đất để lấy tiền ngân hàng chi tiêu việc riêng. Đó là cái không đúng. Quan điểm của Đà Nẵng là thu hồi dự án và cố gắng lấy lại lô đất bằng giá trị thực của nó. Nếu Thành phố không lấy lại được thì khó ai có thể vào làm được dự án đó”.

Vũ Phương

Tác giả: Nghi Điền - Diệu Ly

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP