Tại Hà Nội vừa diễn ra buổi Tọa đàm khoa học về Luật An ninh mạng và tác động đến các ngành công nghệ, truyền thông, nội dung số. Buổi hội thảo do ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam chủ trì.
Với nhiều quan điểm khác nhau được chia sẻ tại Quốc hội cũng như các diễn đàn, buổi hội thảo này là dịp để nhiều bên đưa ra ý kiến nhằm góp ý cho dự thảo Luật An ninh mạng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, điều đầu tiên cần làm rõ khái niệm an ninh mạng, tránh chồng lấn với khái niệm an toàn thông tin, an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin, an toàn mạng...
“Đối với thế giới chỉ có khái niệm Cyber Security. Ở Việt Nam, đôi lúc phân nhánh theo những phân khúc khác nhau nên còn có những tranh luận. Bên cạnh đó, cần chỉ ra nội dung có thể trùng lặp, mâu thuẫn của Luật An ninh mạng và Luật ATTT mạng, tránh chồng chéo khi mà những luật trước đây đã quy định.”, Thứ trưởng Hồng cho biết.
Chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng về dự thảo Luật An ninh mạng. Ảnh: Trọng Đạt |
Thứ trưởng Hồng cũng đặt vấn đề cần xem xét các quy định mới có tính khả thi trong thực tế hay không. Ví dụ cụ thể nhất là quy định yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam đối với Facebook, Google.
“Các nhà cung cấp dịch vụ này có vô số máy chủ đặt ở khắp nơi trên thế giới. Nếu chúng ta yêu cầu, họ cũng chỉ đặt được số lượng rất nhỏ. Không có gì đảm bảo trên những máy chủ này chỉ bao gồm tất cả thông tin sẽ cung cấp cho người Việt Nam hay thông tin về người sử dụng Việt Nam.”, Thứ trưởng Hồng chia sẻ.
Những vấn đề của Luật An ninh mạng
Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia Viện Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) - Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT rất quan tâm xem Luật An ninh mạng sẽ tác động đến họ thế nào.
Ông Đồng chia sẻ rằng trong một báo cáo mới đây, Việt Nam bị Liên Hợp Quốc xếp thứ 101 về tình hình an ninh mạng, xếp sau cả Lào, Campuchia. Trong khi đó Thái Lan, Singapore được đánh giá rất cao về an ninh thông tin. Chúng ta bị chấm điểm thấp bởi sự chồng chéo giữa các quy định, các bộ luật.
Theo ông Đồng, nếu chúng ta thiết lập thêm Luật An ninh mạng sẽ dẫn đến sự chồng chéo về mặt pháp lý. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp lo ngại họ không biết tìm đến đầu mối nào để giải quyết các thủ tục hành chính. Trong trường hợp các đầu mối này có xung đột ý kiến với nhau, doanh nghiệp ở giữa sẽ không biết phải nghe theo bên nào.”
Nhiều đại biểu quốc hội, chuyên gia, luật sư, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ về tác động của Luật An ninh mạng. Ảnh: Trọng Đạt |
Dự thảo Luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và doanh nghiệp CNTT phải cung cấp thông tin người dùng cho các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng . Đây là vấn đề gây tranh cãi pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Điều này sẽ xâm phạm đến quyền cá nhân của người dùng.
Bên cạnh đó, nhiều quy định của dự thảo Luật An ninh mạng được đánh giá là chung chung, gây ra sự khó hiểu cho người đọc. Các ý kiến đóng góp đồng ý chung với nhận định cần phải làm rõ các điều khoản của Luật, tránh việc đưa ra các văn bản dưới luật để giải thích cho luật đã ban hành.
Xây dựng luật để phát triển, không phải để dễ quản lý
Bên cạnh nhiều phát biểu mang tính xây dựng, một trong những vấn đề được thống nhất cao là cần đưa cuộc sống vào luật thay vì đưa luật vào cuộc sống.
Theo ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chính phủ là đơn vị làm ra dự thảo luật. Điều này khiến Luật An ninh mạng thiên về tính quản lý và vô tình đem đến bất lợi cho sự phát triển.
Ông Hợp cho rằng luật An ninh mạng nên nghiêng về việc quản lý nội dung, thay vì mặt quản lý công nghệ như ở Luật ATTT mạng. Phải tận dụng công nghệ để đẩy mạnh tốc độ phát triển của Việt Nam. Luật ra đời là để hỗ trợ cho sự phát triển đó. Chúng ta làm ra luật để phát triển tốt hơn thay vì có tư duy làm luật để dễ quản lý.
Tác giả: Trọng Đạt
Nguồn tin: Báo VietNamNet