Chỉ trong một thời gian ngắn, có rất nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận trong ngành giáo dục. Đó là một cô giáo ở Bến Tre bị một học sinh nam (lớp 8) bóp cổ ngay tại lớp học trước mặt học sinh và các giáo viên khác. Hay vụ một học sinh nam (lớp 7) ở Hà Nam mang dao vào trường học chơi và phi dao vào trán một bạn học dẫn tới chấn thương.
Trường THPT Long Thới, TP Hồ Chí Minh - nơi một giáo viên suốt 3 tháng lên lớp không giảng bài cho học sinh. |
Rồi chuyện phụ huynh ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào tận trường bắt giáo viên quỳ ngay tại phòng hội đồng trước sự chứng kiến của Ban Giám hiệu nhà trường; một cô giáo ở Hải Phòng dùng hình phạt bắt học sinh “súc miệng” bằng nước giặt giẻ lau bảng chỉ vì nói chuyện riêng trong lớp. Hay sự việc ở TP Hồ Chí Minh, một giáo viên suốt 3 tháng lên lớp không giảng bài cho học sinh.
Mới đây nhất, chỉ vì nhắc nhở việc xóa hình xăm trên cổ, một học sinh nam (lớp 12, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã đâm trọng thương thầy giáo của mình… Những sự việc xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn đã làm xấu đi hình ảnh ngành giáo dục, nghe mà xót xa, đau lòng quá. Và điều đáng buồn hơn là dường như khi đời sống vật chất xã hội ngày càng được nâng lên thì văn hóa ứng xử giữa con người với con người lại có xu hướng đi xuống.
Giáo dục là nền tảng của xã hội, thế nhưng nền tảng ấy đang có nguy cơ bị lung lay dữ dội. Từ bao đời nay, truyền thống hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được Nhà nước và xã hội đề cao. Để xảy ra tình trạng như vậy, rõ ràng là chúng ta có thể thấy, có một cái gì đấy rất hỗn độn, xô bồ ở trong môi trường giáo dục hiện nay.
Việc học sinh gây gổ, đánh lộn ngay trong sân trường, xử nhau theo kiểu “xã hội đen”, công bằng mà nói có phần lỗi rất lớn từ trách nhiệm từ gia đình, rồi đến nhà trường và sau cùng mới đến các tác động từ xã hội. Một bộ phận các bậc phụ huynh trong thời buổi kinh tế thị trường, nơi mà sức mạnh của đồng tiền được thể hiện rất rõ thì họ thấy rằng việc họ “trả phí” cho nhà trường và đã “trả tiền” cho con đi học, thì họ có quyền đòi hỏi và yêu sách. Những hành động như thế vô tình tạo ra cho con trẻ những nhận thức sai trái về cái gọi là “giới hạn nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm” của giáo viên đối với học sinh.
Trong những câu chuyện kể trên, giáo viên - khi là nạn nhân, khi là người có lỗi. Nhưng đâu rồi truyền thống tôn sư trọng đạo? Đâu rồi 2 tiếng gọi thiêng liêng: Tình Thầy - Trò?
Các cụ ta ngày xưa từng có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy”, hay như một cách khác thể hiện sự trân quý nghề giáo: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy”. Tất cả bắt nguồn từ một xã hội văn minh, văn hóa, chuẩn mực và cầu tiến, nơi mà đạo đức xã hội được coi là kim chỉ nam cho mọi hành động.
Một giáo viên đứng lớp, người truyền cảm hứng và góp phần đưa ước mơ của học trò bay cao, bay xa, không chỉ cần có kiến thức chuyên môn giỏi mà phải là một người có đạo đức. Mỗi giáo viên ở bất cứ hoàn cảnh, vị trí công tác nào, đều cần rèn luyện, tu dưỡng để giữ cho mình một cái tâm sáng, một tấm lòng bao dung, vị tha. Thiết nghĩ, có như vậy chúng ta mới có hy vọng nền giáo dục nước nhà sẽ ngày một phát triển bền vững, lành mạnh và văn minh.
Đã đến lúc chúng ta nên chú trọng xây dựng bộ quy tắc chuẩn ứng xử giữa giáo viên - học sinh, nhà trường - gia đình để tạo sự chuẩn mực cần thiết: Thầy ra thầy và trò ra trò; Trường ra trường, lớp ra lớp.
Và trong việc xây dựng chuẩn quy tắc ứng xử đó không thể thiếu được vai trò của các bậc phụ huynh. Một gia đình tốt, có văn hóa, cha mẹ gương mẫu mới tạo ra những đứa con ngoan ngoãn, lễ phép. Chính vì vậy, việc phối hợp, sát sao giữa gia đình - nhà trường để cùng nhau nuôi dạy, bồi dưỡng nhân cách, kiến thức cho các con là vô cùng quan trọng. Các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn nữa quan tâm đến con em của mình, đừng phó mặc việc dạy dỗ hoàn toàn cho giáo viên và nhà trường, có như thế chúng ta mới góp phần nuôi dưỡng những nhân cách tốt, tạo ra được những công dân có ích cho xã hội trong tương lai.
Tác giả: Trần Thị Thắm
Nguồn tin: Báo Lao động Thủ đô