Cầu Gianh hẹp nên tốc độ bị hạn chế, xe qua đây phải nối đuôi nhau. |
Đường bốn làn, cầu hai làn
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, trên tuyến QL 1A đoạn qua Quảng Bình, cầu Gianh (km 625+500) và cầu Quán Hàu (km 671+500) được Bộ GTVT đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng lần lượt từ năm 1998 và năm 2000 đến nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giải quyết ách tắc giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ và góp phần vào phát triển kinh tế - xã của tỉnh Quảng Bình và cả nước.
Tuy nhiên, hiện hai cầu trên không còn phù hợp với quy mô của QL 1A được nâng cấp lên bốn làn xe và không đáp ứng được nhu cầu vận tải trong giai đoạn tiếp theo. Do phần xe chạy trên cầu bị thu hẹp hơn so đường hai đầu cầu, lại được sử dụng hỗn hợp cho tất cả loại phương tiện nên mỗi lần xe tránh nhau rất nguy hiểm, mất an toàn giao thông. Nhất là trong thời gian gần đây, tại cầu Gianh xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại hậu quả hết sức đau lòng.
Mới đây, rạng sáng 20-4, tại giữa cầu Gianh, xe tải BKS 75C-032.66 đang lưu thông theo hướng bắc - nam, khi đi qua cầu thì tông trực diện vào xe khách giường nằm BKS 49B-008.54 đi ngược chiều. Vụ tai nạn làm lái xe tải chết tại chỗ, lái xe khách bị thượng nặng. Do tai nạn xảy ra ngay giữa cầu Gianh nên giao thông trên QL1A đoạn qua huyện Bố Trạch và thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) bị tắc nhiều giờ đồng hồ. Hàng trăm ô-tô các loại nối nhau dài gần 10 km. Đầu tháng 5 này, một xe ô-tô tải bị hỏng máy buộc phải dừng giữa cầu để sửa chữa cũng làm tắc mất một làn đường, hàng dài các phương tiện phải nối đuôi nhau “bò” qua cầu.
Một vụ tai nạn trên cầu Gianh khiến cả tuyến QL 1A đoạn phía bắc tỉnh Quảng Bình bị ùn tắc. |
Trong khi số lượng phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng tăng thì cầu Gianh lại đang “hẹp dần” và trở thành mối lo cho người và phương tiện qua lại mỗi ngày. Cầu Gianh dài hơn 746 m, rộng chỉ hơn 12 m, sử dụng cho tất cả các loại phương tiện nên mỗi lần các xe tránh nhau rất nguy hiểm. Vì thế, chiếc cầu này được xem là “điểm đen” tai nạn, trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông.
Anh Nguyễn Văn Tạo ở thị xã Ba Đồn cho biết: “Mỗi khi đi xe máy qua đây tôi thường phải đi chậm, quan sát bởi đường dẫn phía nam của cầu hẹp mà phải dùng chung cho các loại phương tiện nên mỗi lần gặp các xe trọng tải lớn rất sợ. Tiếng còi hơi rất to, rồi xe tải lấn làn... làm người đi xe máy, xe đạp lắm lúc giật mình vì nguy hiểm”.
Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đoạn qua cầu Gianh đường hẹp, dốc và cong nên thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông. Mỗi khi tai nạn xảy ra thường tắc đường nhiều giờ. Bên cạnh một bộ phận người tham gia giao thông thiếu ý thức thì nguyên nhân của các vụ tai nạn ở khu vực cầu Gianh một phần do sự bất cập của cầu Gianh.
Bao giờ gỡ các “nút cổ chai”
Rõ ràng, sự bất cập của cầu Gianh, cầu Quán Hàu trong sự phát triển của ngành giao thông đường bộ hiện nay ngày càng bộc lộ những hạn chế làm cản trở sự bứt phá vươn lên của địa phương cũng như cả nước.
Nhận thức các bất cập này nên từ năm 2015, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm ưu tiên đầu tư mở rộng các “nút cổ chai” này. Giữa năm 2017, trong cuộc làm việc với Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị triển khai mở rộng cầu Gianh và cầu Quán Hàu từ hai làn lên bốn làn xe, ước tính kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng cho cả hai công trình song tất cả đều nằm trên công văn qua lại.
Khi lưu lượng vận tải trên QL1A ngày càng tăng cao, vì vậy, để bảo đảm an toàn giao thông và tăng khả năng khai thác của tuyến đường huyết mạch này, cuối tháng 9-2020, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản gửi Bộ GTVT quan tâm sớm triển khai đầu tư mở rộng cầu Gianh (bao gồm cả đường hai đầu cầu với chiều dài khoảng 2,2km) và cầu Quán Hàu (gồm cả đường hai đầu cầu dài 1,2km) với quy mô từ hai lên bốn làn xe. Phúc đáp công văn của tỉnh Quảng Bình, sau đó Bộ GTVT có văn bản nêu rõ: Trong giai đoạn 2020-2030, Bộ thống nhất với UBND tỉnh Quảng Bình nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm một đơn nguyên các cầu Gianh và Quán Hàu để bảo đảm đồng bộ quy mô trên toàn tuyến cho bốn làn xe cơ giới.
Mới đây ngày 10-3-2021, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã ghi nhận kiến nghị của tỉnh về việc đầu tư mở rộng hai cầu Gianh và Quán Hàu, giao các đơn vị tham mưu lập báo cáo nghiên cứu kinh tế kỹ thuật; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giao đoạn 2021-2025.
Sông Gianh, sông Nhật Lệ là những dòng sông gắn với lịch sử của dân tộc. Hơn 20 năm nay, các cây cầu này đã kết nối đôi bờ, giúp cho tuyến đường huyết mạch quốc gia được thông thương. Tuy nhiên, trước nhu cầu vận tải đường bộ tăng cao hiện nay, các cầy cầu này không còn đáp ứng kịp, thậm chí còn cản trở sự đi lên khi trở thành các “nút cổ chai” trên tuyến đường xuyên Việt. Vì thế, Chính phủ, Bộ GTVT sớm có ưu tiên triển khai mở rộng hai cầu trên này để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình và cả nước, đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của nhân dân.
Tác giả: HƯƠNG GIANG
Nguồn tin: Báo Nhân dân