Xã hội

Cần đưa “rừng thiêng” vào Luật để bảo vệ

Chiều 24/10, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề nghị đưa khái niệm 'rừng thiêng' vào Luật để có căn cứ bảo vệ

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - tỉnh Quảng Bình phát biểu ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐT Quốc hội

Trong buổi thảo luận, ĐB Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng rừng tự nhiên ngày càng bị tàn phá, bị cháy, bị khai thác trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương và dẫn đến hậu quả tai nạn nặng nề nghiêm trọng, lũ lụt tàn phá, đất đá lở gây thảm họa thương tâm cả về tính mạng và kinh tế. Có nhiều nơi cán bộ kiểm lâm còn tiếp tay cho lâm tặc, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm kiểm tra và thiếu những biện pháp xử lý hữu hiệu, nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật và tài nguyên rừng của chúng ta còn nhiều hạn chế, trong đó có Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Ông cũng góp ý cụm từ "rừng tín ngưỡng" tại khoản 8 Điều 2 nên đổi thành "rừng thiêng". Ông nói: “Đây là một điểm tôi muốn Ban soạn thảo hết sức lưu ý vì dân gian có câu 'rừng thiêng nước độc', chưa ai nói đến rừng tín ngưỡng.

Rừng thiêng là rừng mà niềm tin của người dân cho rằng rừng có một đấng siêu nhiên, mô hình nào đó cai quản, bảo vệ và nếu ai chặt phá, gây ô nhiễm hoặc làm thay đổi, biến dạng sẽ phải bị trừng phạt. Vì thế người dân có ý thức bảo vệ khác với tín ngưỡng, tín ngưỡng ở đây là niềm tin thờ cúng tổ tiên, ông bà, thành hoàng, các vị phật tổ, phật quan âm, v.v... Ở đây mình nói dùng từ tín ngưỡng cũng không đúng.

Trong giải thích rừng tín ngưỡng là rừng gắn với niềm tin phong tục tập quán, cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng, cái này không chính xác. Ở Quảng Bình có một thôn ở Châu Hóa, rừng đó người ta cũng không sống dựa vào rừng gì cả nhưng cho rằng đó là rừng thiêng cho nên không ai chặt phá và bảo vệ từ đời này qua đời khác.”

Nên đổi tên thành Luật Lâm nghiệp

Thảo luật về Dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) ĐB Tô Văn Tám - Kon Tum nhất trí với việc sửa đổi Luât Bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, theo ông nên đổi tên thành Luật Lâm nghiệp.

Ông phân tích: “Trong điều kiện khi độ che phủ rừng được nâng cao, phát triển rừng đang đi vào bền vững, lâm nghiệp ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế thì cần tạo cơ sở pháp lý cho ngành lâm nghiệp, phạm vi điều chỉnh cần bổ sung cho toàn ngành lâm nghiệp chứ không chỉ rừng. Các nội dung của dự thảo luật đã bao quát cả việc bảo vệ phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến thương mại lâm sản. Do vậy, việc lấy tên của luật là Luật Lâm nghiệp là phù hợp.”

“ Tôi tán thành với tên gọi của dự án luật nên đổi là Luật Lâm nghiệp.” – ĐB nói.

Đồng ý quan điểm gọi là Luật Lâm nghiệp, Thượng tọa Lý Minh Đức (Lý Đức) - Sóc Trăng cho rằng tên gọi Luật Lâm nghiệp là phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự thảo luật khẳng định nông nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật gồm một chuỗi các hoạt động từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến thương mai, lâm sản, tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc chế biến thương mại, lâm sản, khai thác dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh giá trị ngành lâm nghiệp đóng góp cho nền kinh tế, vị thế của ngành lâm nghiệp ngày càng được khẳng định hơn với vai trò trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tán đồng ý kiến các ĐB phát biểu trước mình đã phân tích, ĐB Tống Thanh Bình - Lai Châu cũng đề nghị thống nhất lấy tên luật là Luật lâm nghiệp, vì tên gọi lâm nghiệp sẽ đảm bảo gắn với phạm vi điều chỉnh, phù hợp với nội dung của dự án luật.

ĐB Tống Thanh Bình - Lai Châu cũng đề nghị thống nhất lấy tên luật là Luật lâm nghiệp, vì tên gọi lâm nghiệp sẽ đảm bảo gắn với phạm vi điều chỉnh, phù hợp với nội dung của dự án luật, về nội dung này tôi xin không phân tích thêm vì các đại biểu phát biểu trước tôi đã phát biểu, phân tích rất kỹ rồi.

Quản lý rừng không thể tách rời quản lý đất rừng

Một trong những vấn đề cũng được các ĐB quan tâm đóng góp ý kiến là sự tương thích giữa Luật Bảo vệ và phát triển rừng với Luật Đất đai.

Dương Minh Tuấn - Bà Rịa - Vũng Tàu nói: “Như chúng ta biết, rừng về mặt bản chất cũng là một loại tài sản, tài nguyên đặc biệt gắn liền với đất đai. Chính sách về quản lý rừng không thể tách rời chính sách về quản lý đối với đất rừng. Theo khoản 1 Điều 135 của Luật Đất đai quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trong khi khoản 3 Điều 21 dự luật chỉ quy định nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn các xã nơi có diện tích rừng không có cụm từ "trong hạn mức". Do vậy, xin đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm điều luật này.”

Nội dung thứ hai trong sự tương thích của luật này và Luật Đất đai, theo ĐB đó là về thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển đổi loại rừng theo quy định tại Điều 59 của Luật Đất đai thì thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng là thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, thẩm quyền chuyển loại rừng tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo luật lại là thẩm quyền riêng của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. “Tôi đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 23 cho thống nhất về thẩm quyền.” ông nói.

Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và trong trường hợp Quốc hội chấp nhận có sự khác nhau giữa một số quy định của luật này và Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học thì ĐB Nguyễn Trường Giang - Đắk Nông - đề nghị cần bổ sung một điều vào chương điều khoản thi hành để thực hiện theo đúng quy định tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Tác giả: Huy THiện

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP