Trong nước

Căn cước công dân sẽ thay đổi thế nào?

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như Dự thảo Luật Căn cước là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới.

Sáng 25/10 Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Căn cước (Dự thảo)

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về tên gọi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.

Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, ông Tới giải thích.

Cạnh đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng tên gọi thẻ căn cước như Dự thảo Luật là phù hợp, sẽ bao hàm được đầy đủ thông tin về căn cước của công dân. Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân, việc đổi tên thẻ căn cước như Dự thảo Luật mà Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.

Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thảo luận tại Kỳ họp thứ năm, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin.

Có ý kiến đề nghị phân loại các trường thông tin bảo đảm logic, khoa học, thuận tiện; ý kiến khác đề nghị cân nhắc các trường thông tin bảo đảm tính ổn định, thường xuyên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, để triển khai Đề án 06, thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết.

Đồng thời dự thảo Luật quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên, cần có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong các trường thông tin quy định tại Điều này có 7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp nếu các trường thông tin này chưa có hoặc chưa đầy đủ.

Theo đó, 7 trường thông tin bắt buộc người dân phải cung cấp gồm: ảnh khuôn mặt; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch, nơi cư trú.

Thông tin được mã hoá, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của công dân,...

Các trường thông tin còn lại là những thông tin nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân khi sử dụng các tiện ích, giá trị do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại; các thông tin này sẽ được cập nhật qua cung cấp tự nguyện của người dân và được chia sẻ qua các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ các giao dịch hành chính, dân sự.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng có những quy định bảo đảm độ an toàn cao, bảo đảm kiểm soát an ninh mạng tốt nhất, bảo vệ ở mức cao nhất đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, ông Tới báo cáo.

Cạnh đó, có ý kiến đề nghị không nên giao Chính phủ quy định các thông tin khác được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành mà quy định ngay trong luật để bảo đảm quyền của công dân.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới báo cáo, hiện nay, việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt, đã đem lại những kết quả thiết thực. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi đã được kết nối, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc giao Chính phủ quy định chi tiết những thông tin khác được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm vừa bảo đảm tính ổn định của dự thảo Luật, nhưng vẫn có tính linh hoạt đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhu cầu thu thập, cập nhật thông tin trong từng thời kỳ; đồng thời phù hợp với quy định tại điểm d khoản 3 Điều 40 Luật Giao dịch điện tử, ông Tới giải thích.

Tác giả: Nguyễn Lê

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP